Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống giao thông thông minh"

Ngày 10/03, Trường Đại học Công nghệ phối hợp với Hitachi Asia tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống giao thông thông minh".
Ngày 10/03, Trường Đại học Công nghệ phối hợp với Hitachi Asia tổ chức hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống giao thông thông minh".
Tham gia hội thảo có ông Lê Xuân Đức – Trường Phòng TC9, Bộ Công An. Ông Lê Hùng Lân- Viện trưởng Viện NanCenTech-Bộ Thông tin & Truyền thông. Đại diện Hitachi Asia gồm ông Hiroki Ohashi; ông Hisashi Ikeda và các nhà nghiên cứu khoa học đến từ Hitachi Asia. Về phía Trường ĐHCN gồm PGS.TS. Nguyễn Việt Hà - Hiệu trưởng Nhà trường, ThS Phan Quốc Nguyên - Phó trưởng phòng Phòng KHCN - HTPT, PGS.TS. Nguyễn Hà Nam – Quyền Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Giám đốc Trung tâm TSK cùng đại diện cán bộ khoa CNTT.
 
Trường Đại học Công nghệ và Hitachi đã nghiên cứu và phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm giảm thiểu tắc nghẽn và cải tiến tình trạng giao thông từ năm 2012. Dự án có ba nhóm nghiên cứu tham gia trong hợp tác nghiên cứu này là CRL (Central Research Lab), HAS (Hitachi Asia Singapore) và  UET - VNU. 

 
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Nguyễn Việt Hà gửi lời chúc hội thảo diễn ra thành công và gửi lời cảm ơn đến sự tham gia cùng quan tâm của nhiều diễn giả. Trường ĐHCN và Hitachi Asia đã bắt đầu hợp tác trong nghiên cứu từ năm 2012 với nhiều ý tưởng, dự án về giao thông thông minh. Hội thảo được tổ chức lần đầu tiên và nằm trong khuôn khổ dự án nhằm công bố một số kết quả hợp tác. Đồng thời, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm về hiện trạng giao thông tại Việt Nam giữa các nhà khoa học cũng như quản lý nhằm cải thiện tình trạng giao thông ở các thành phố lớn.
 
Tham dự hội thảo có khoảng 40 khách mời từ các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu liên quan đến giao thông ở Việt Nam, và các nhà khoa học đến từ Nhật Bản và Singapore. Tại hội thảo tập trung trình bày về các vấn đề hiện trạng giao thông tại một số thành phố lớn và một số nội dung nghiên cứu của Dự án được trình bày bởi các nhóm nghiên cứu CRL, HAS và UET - VNU. Nhóm nghiên cứu Nhật Bản sẽ trích xuất thông tin về hành trình, loại xe tham gia giao thông, và tuyến đường, xây dựng mô hình mô phỏng giao thông của 2 thành phố Hà Nội, TP. HCM từ đó đưa ra một số nhận định về tình trạng giao thông và các phân tích hỗ trợ cho phân tích và điều hành giao thông. Nhóm nghiên cứu Singapo phân tích về các luồng lưu thông – các tuyến đường với mật độ và tần suất tham gia giao thông. Còn nhóm nghiên cứu UET- VNU phân tích hành vi tham gia giao thông của các nhóm người khác nhau. Xây dựng mô hình hành vi tham gia giao thông để đưa vào hệ thống mô phỏng giao thông.

 
Ông Lê Xuân Đức khẳng định, cuộc hội thảo này được nhiều bộ, ban ngành quan tâm vì Chính phủ Việt Nam và Bộ Công An luôn quan tâm đến vấn đề đầu tư công nghệ cho công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển khoa học kỹ thuật trong lực lượng công an nhân dân. Chính phủ Việt Nam có Nghị quyết 88 và Bộ Công an có hai dự án về hệ thống giao thông thông minh là Dự án nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát trong đó có hệ thống giám sát xử lý vi phạm cũng như trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng CSGT nhằm giảm sự có mặt của lực lượng CSGT ở ngoài đường nhưng vẫn đảm bảo duy trì được tình hình trật tự an toàn giao thông ở trên tuyến. Sau thi thực hiện thí điểm hệ thống giám sát tại hai tuyến  gồm Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Cần Thơ cho đến nay, đã xử phạt lập biên bản được 20.664 trường hợp vi phạm và đã ra quyết định xử phạt trên 10 tỷ đồng đối với tuyến Hà Nội - Vinh, TP. HCM- Cần Thơ. Tình hình trật tự an toàn giao thông  trên tuyến giảm 43 vụ tai nạn, giảm 60 người chết và giảm 18 người bị thương so với 3 năm trước khi thực hiện dự án này. Ngoài ra còn có tác dụng trong công tác phòng chống tội phạm, xử lý những trường hợp gây ra tai nạn giao thông (TNGT) rồi bỏ chạy. Trong 3 năm, phát hiện ra 3 vụ phạm pháp hình sự trong đó bắt 1 vụ đối tượng trộm cắp và 2 vụ TNGT bỏ chạy.
 
Tại hội thảo, đề tài về "Hệ thống thông tin trạng thái giao thông HN dựa trên nền GIS" của TS. Nguyễn Ngọc Hóa (Khoa CNTT, Trường ĐHCN) đã nói đến thực trạng giao thông và hệ thống giao thông thông minh ở Hà Nội. Từ việc phân tích những thực trạng giao thông, đề tài đã nghiên cứu xây dựng thu thập giải pháp tức thời về trạng thái giao thông các tuyến phố chính ở Hà Nội; chú trọng sử dụng hình ảnh từ hệ thống giao thông từ hệ thống các camera giám sát của VOV và ngành công an; nghiên cứu phát triển công cụ phần mềm cho phép xác định tự động lưu lượng giao thông trên các tuyến phố dựa trên dữ liệu hình ảnh các camera giám sát từ đó xây dựng bản đồ lưu lượng giao thông phục vụ người dân Hà Nội. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin trạng thái giao thông cả trực tiếp và dự báo cho người dùng trên nên bản đồ số trực tuyến và internet lẫn thiết bị di động thông minh.
 
Hitachi đang phát triển hệ thống mô phỏng giao thông với việc sử dụng dữ liệu thu thập được từ người dùng sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng ở Nhật Bản. Dự án đã thu thập dữ liệu từ 160 người dùng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trong 3 tuần – sử dụng điện thoại Android để thu thập dữ liệu hành trình tham gia giao thông. Từ dữ liệu đó các bên tham gia tiến hành phân tích và xây dựng các mô hình, ứng dụng phù hợp đưa vào hệ thống mô phỏng giao thông ở VN. Để tiếp tục phát triển và thực hiện mục tiêu này phía Hitachi mong muốn nhận được sự hợp tác hơn nữa từ phía Việt Nam.
Tuyết Nga (UET - News)