ThS. Ninh Thị Thu Hà: Trường ĐHCN - cái nôi đào tạo Công nghệ thông tin

Hoàn thành luận văn Thạc sĩ ở Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) với đề tài “Các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ trong số hóa văn bản tiếng Việt của hệ thống FSCANNER” do TS. Lê Quang Minh hướng dẫn. Ninh Thị Thu Hà, K19, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm hiện nay đang là giáo viên môn Tin học tại trường THPT Yên Thế, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
Hoàn thành luận văn Thạc sĩ ở Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) với đề tài “Các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ trong số hóa văn bản tiếng Việt của hệ thống FSCANNER” do TS. Lê Quang Minh hướng dẫn. Ninh Thị Thu Hà, K19, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm hiện nay đang là giáo viên môn Tin học tại trường THPT Yên Thế, huyện Yên Thế, Bắc Giang.
Tại sao ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường ĐHCN được chị chọn lựa để theo học và phục vụ cho công việc bản thân?
Vì tôi là giáo viên phổ thông môn Tin học nên ngành Kỹ thuật phần mềm rất phù hợp cho công việc sau này. Khi đăng ký thi tuyển sinh vào Trường ĐHCN - ĐHQGHN, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng ĐHQGHN là một trường lớn của quốc gia, còn Trường ĐHCN đã có tiếng chuyên đào tạo về công nghệ thông tin, nên tất nhiên Trường sẽ là cái nôi tốt nhất đào tạo về CNTT. Hơn nữa, tôi cũng được các bạn bè và đồng nghiệp từng học ở Trường ĐHCN tư vấn về chất lượng và chương trình đào tạo, do vậy tôi đã quyết định đăng ký dự thi. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi nhận ra rằng việc chọn trường học ban đầu của bản thân là đúng đắn, các thầy cô của Nhà trường đều là các nhà khoa học trình độ cao, tốt nghiệp từ các các nước tiên tiến giảng dạy. Tôi không những học được kiến thức mà còn học được cả phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu từ các thầy cô, cách làm việc khoa học, nghiêm túc trong học tập.
 
Theo chị, đối với con gái theo học ngành này có những ưu điểm và thuận lợi như thế nào ạ?
Tôi cho rằng con trai hay con gái đều có thể học ngành CNTT, miễn là phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Con gái học ngành này có nhiều cơ hội làm phần mềm hay ở vị trí tester của các công ty nổi tiếng, hoặc đơn giản là làm giáo viên để có thể truyền tải những kiến thức về CNTT bổ ích cho học trò.
 
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, chị đã nhận được những hỗ trợ gì từ phía khoa nói riêng và Nhà trường nói chung?
Việc đăng ký học theo tín chỉ của Nhà trường giúp tôi có điều kiện vừa giảng dạy được ở Trường THPT Yên Thế và vừa theo học được tại Trường ĐHCN - ĐHQGHN. Bên cạnh đó, để động viên và khích lệ người học Khoa CNTT đã hỗ trợ cho mọi học viên cao học của trường lệ phí thi chuẩn đầu ra B1. Trong quá trình chọn và nhận thầy hướng dẫn luận văn, dựa vào đề tài của học viên cao học Khoa cũng hướng dẫn và tư vấn nhiệt tình cho người học những thầy cô phù hợp.
 
Môi trường giáo dục, nghiên cứu và phương pháp làm việc cùng giảng viên của Nhà trường có gì khác biệt với nghiên cứu ở các trường khác?
Điểm nổi bật của môi trường giáo dục của Nhà trường đó là học tập và làm việc một cách nghiêm túc. Khi các bạn học xong và ra trường, các bạn sẽ thấy mình trưởng thành rất nhiều. Cũng giống như vận động viên leo núi, nếu leo qua một quả đồi thấp thì ai cũng như nhau, nhưng khi leo được đến đỉnh núi, nhìn lại thấy rằng mình có khả năng vượt qua mặc dù vất vả. Cầm tấm bằng của Trường ĐHCN thực sự có giá trị và thấy công lao bỏ ra của mình thật xứng đáng.
Môi trường giáo dục, nghiên cứu và phương pháp làm việc của các giảng viên của Nhà trường rất khoa học và công nghệ. Khoa học vì các thầy luôn đến đúng giờ, dạy đúng tiến độ, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã tạo cơ hội cho học viên tự seminar dưới sự chủ trì của các thầy, qua đó học viên cũng hình dung như mình đang được tham gia các hội nghị khoa học ở quy mô hẹp. Công nghệ vì những công nghệ mới nhất trong mỗi môn đều được các thầy cô cập nhật và giới thiệu cho học viên. Cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng cho việc học như các phòng điều hòa, máy chiếu, loa, mic...
 
Theo chị, các chương trình trao đổi, hợp tác và học bổng của Nhà trường với những trường Đại học khác có mạnh không và tạo điều kiện như thế nào để người học tham gia hội nghị và nghiên cứu?
Nhà trường có rất nhiều chương trình trao đổi, hợp tác, học bổng và được chuyên viên của Khoa CNTT gửi mail trực tiếp cho tất cả các học viên để tạo điều kiện cho học viên có cơ hội tham gia các chương trình. Có nhiều người học đủ tiêu chuẩn nhận những xuất học bổng của các trường nước ngoài do Trường ĐHCN giới thiệu.
Sau quá trình học tập và nghiên cứu ở trường, chị thấy những kiến thức trong Nhà trường đã giúp ích như thế nào đối với công việc hiện tại của chị?
Sau 10 năm đi làm, tôi đi học lại nên ban đầu cũng bỡ ngỡ nhưng với sự nhiệt tình của thầy cô trong Khoa và Nhà trường mà tôi đã thuận lợi hoàn thành chương trình học tập. Ngoài việc cập nhật được những kiến thức mới từ các thầy cô truyền đạt cho, tôi còn học được phương pháp nghiên cứu, phương pháp giảng dạy. Đặc biệt là tôi học được phương pháp giảng dạy từ các thầy cô của Trường, điều đó giúp ích cho tôi trong công việc giảng dạy hiện tại.
 
Chương trình đào tạo của Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi như thế nào đối với những người vừa học vừa làm và ở xa?
Chương trình đào tạo của Nhà trường là cho phép học viên đăng ký học theo tín chỉ, rất phù hợp với những người đi làm và ở xa như tôi. Chương trình học tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo cho người học vừa đi làm lại vừa đi học.
 
Trong quá trình sắp tới chị có tiếp tục chọn con đường học tập và nghiên cứu tại   Trường Đại học Công nghệ không? Vì sao?
Vì điều kiện con nhỏ nên hiện tại tôi chưa nghĩ đến việc học tập tiếp. Nhưng nếu có điều kiện và thời gian để tiếp tục con đường học tập mình sẽ vẫn chọn Trường ĐHCN-ĐHQGHN. Vì Trường ĐHCN-ĐHQGHN là cái nôi tốt nhất về đào tạo CNTT. Khi học tập ở đây, các bạn có thể hình dung như mình đang được tiếp xúc với những công nghệ tiên tiến trên thế giới thông qua những kiến thức uyên bác của các thày cô đã học và làm việc ở nước ngoài về giảng dạy, qua những cách thức làm việc khoa học và nghiêm túc của các thầy cô. Khi ra trường, cầm tấm bằng trong tay thật có giá trị, không chỉ vì bạn học trong một ngôi trường hàng đầu mà còn có giá trị đối với chính bản thân bạn.
Tuyết Nga (UET - News)