Trường Đại học Công nghệ trở thành ngôi nhà thứ hai
- Thứ ba - 09/02/2016 20:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Dù gặp nhiều trở ngại và khó khăn song trong tám năm qua tôi thấy mình như trẻ ra vì hằng năm đươc tiếp xúc với lớp sinh viên mới, gặp được nhiều sinh viên say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Những lúc như vậy tôi cảm thấy công việc “trồng người” mình đang làm thật có ích" - PGS.TS. Đào Như Mai chia sẻ trong Kỷ yếu "15 năm xây dựng và trưởng thành".
"Dù gặp nhiều trở ngại và khó khăn song trong tám năm qua tôi thấy mình như trẻ ra vì hằng năm đươc tiếp xúc với lớp sinh viên mới, gặp được nhiều sinh viên say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Những lúc như vậy tôi cảm thấy công việc “trồng người” mình đang làm thật có ích" - PGS.TS. Đào Như Mai chia sẻ trong Kỷ yếu "15 năm xây dựng và trưởng thành".
Cơ duyên nào đã đưa cô đến với Nhà trường và Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa?
Khi còn học đại học, công tác giảng dạy thực sự là niềm mơ ước của tôi. Tuy nhiên, khi tốt nghiệp tôi lại được phân về Viện Cơ học làm công tác nghiên cứu. Sau thời gian làm việc tôi thấy công việc nghiên cứu cũng mang lại niềm say mê và hứng thú. Tôi những tưởng rằng mình sẽ theo con đường nghiên cứu, còn giảng dạy sẽ giúp tôi phát triển công việc này. Vì vậy, tôi cũng đã tham gia giảng dạy các môn cơ sở của ngành Cơ học như Cơ Lý thuyết, Cơ học Vật rắn biến dạng.ở một số trường kỹ thuật như trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Lương Thế Vinh, trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Phải nói rằng tôi bén duyên với Khoa CHKT&TĐH cũng nhờ vào Trung tâm Hợp tác, Bồi dưỡng và Đào tạo Cơ học - đơn vị phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội được hình thành năm 1997. Trước khi giảng dạy tại Khoa CHKT&TĐH tôi đã có thời gian giảng dạy cao học ở trung tâm từ khi thành lập. Và sau khi thành lập trường Đại học Công nghệ, tôi đã chính thức giảng dạy ở Khoa từ học kỳ 2 năm 2006-2007. Sau 8 năm tham gia giảng dạy, tôi vẫn không quên được môn học đầu tiên tôi dạy ở Khoa Cơ học Kỹ thuật và Tự động hóa là môn Sức bền vật liệu. Và điều đặc biệt là, đến học kỳ này (năm học 2014-2015) tôi đang dạy chính môn Sức bền vật liệu cho khóa 57 của Khoa. Môn học này nhắc tôi nhớ lại những kỷ niệm đầu tiên khi đến với trường.
Khi được đề nghị tham gia giảng dạy ở Khoa tôi rất mừng và cũng rất lo. Mừng vì tôi được làm công việc mơ ước từ khi còn trẻ, lo là liệu mình có đáp ứng được những đòi hỏi của công việc mới không. Tôi luôn coi việc tham gia giảng dạy tại Khoa vừa là nhiệm vụ vừa là một cơ duyên. Khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa và trường Đại học Công nghệ đã trở nên thân thiết với bản thân tôi. Mọi hoạt động của Khoa và của Trường khi được giao tôi luôn luôn cố gắng tham gia và hoàn thành tốt.
Sau 8 năm tham gia giảng dạy, theo đánh giá của cô, Khoa CHKT&TĐH nói riêng và Nhà trường nói chung đã có thay đổi như thế nào?
Trong những năm qua, Khoa CHKT&TĐH nói riêng và trường Đại học Công nghệ đã có những bước phát triển lớn. Tôi cảm thấy rất tự hào khi bản thân cũng đã đóng góp một phần nhỏ cho những sự thay đổi của Khoa và Nhà trường. Thời gian đầu, Nhà trường còn phải thuê phòng học, nhưng một vài năm sau cơ sở vật chất ngày càng được mở rộng. Mô hình phối thuộc giữa viện - trường đã giúp Khoa và Trường có thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Vì vậy, hiện nay công tác giảng dạy của trường được tiến hành tại khuôn viên của Trường và Viện Cơ học. Các phòng học được trang bị máy móc và thiết bị tốt hơn rất nhiều. Quy mô giảng dạy của nhà trường và Khoa cũng phát triển. Từ khóa đầu tiên với một lớp Cơ Kỹ thuật với 30 sinh viên nay đã có thêm ngành Công nghệ Cơ Điện tử. Ban đầu chỉ có đào tạo đại học, nay ở Khoa đã đào tạo đầy đủ từ bậc đại học đến tiến sỹ. Những thành tích ngày nay của Khoa về chất lượng, quy mô và số lượng đạo tạo là minh chứng cho sự phát triển sau 10 năm của Nhà trường và Khoa.
Nhớ về những năm tháng đã qua, cô có ấn tượng như thế nào về Nhà trường và Khoa ạ?
Thời gian đầu, đến với công việc giảng dạy tôi gặp không ít khó khăn. Các khó khăn đến từ những việc nhỏ như thời gian đầu trên lớp tôi có cảm giác mình bị hụt hơi và tôi phải tập nói to hơn. Việc soạn bài giảng cũng là một trong những trở ngại của buổi đầu tiên, với thời lượng chương trình đều rút ngắn, các môn cơ sở ngành cơ đều là những môn khó. Do vậy, tôi phải tìm cách tiếp cận môn học phù hợp với sinh viên. Khó khăn còn đến từ việc cân đối giữa công việc nghiên cứu và giảng dạy. Rồi đến khó khăn chung của những người “lái đò” giống tôi như việc ứng xử với sinh viên, quan tâm, động viên, khích lệ các em thế nào.
Dù gặp nhiều trở ngại và khó khăn song trong tám năm qua tôi thấy mình như trẻ ra vì hằng năm đươc tiếp xúc với lớp sinh viên mới, gặp được nhiều sinh viên say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Những lúc như vậy tôi cảm thấy công việc “trồng người” mình đang làm thật có ích. Chưa kể, có nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và được đăng bài ở các hội nghị quốc gia. Có thể kể đến những sinh viên như Trịnh Lê Khánh (K49), Hà Văn Sâm (K53), Nguyễn Văn Tân (K54). Điều tôi luôn tâm niệm khi dạy học là các sinh viên sẽ là đồng nghiệp của mình trong lương lai.
Trong suốt quá trình tham gia giảng dạy ở Khoa, cô có mong muốn đối với Nhà trường và sinh viên như thế nào?
Có thể nói mô hình Trường – Viện đã phát triển rất tốt trong những năm vừa qua. Sinh viện trường Đại học Công nghệ đã được tiệp cận với các phòng thí nghiệm của Viện Cơ học, tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi có thể sử dụng triệt để hơn các phòng thí nghiệm của Viện.
Trong những mong muốn của mình, có một mong muốn giản dị và dễ thực hiên là những sinh viên xuất sắc nhất, có nguyện vọng và đủ điều kiện, sau khi tốt nghiệp của Khoa được ở lại Trường tham gia giảng dạy. Điều này minh chứng cho việc chúng ta thực sự tin vào chất lượng đào tạo của mình.
Tuyết Nga (thực hiện)