2. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố kết quả lần thứ 5 đánh giá năng lực học sinh (15 tuổi) quốc tế PISA (viết tắt của Programme for International Student Assessment, là chương trình khảo sát mức độ năng lực đạt được ở các lĩnh vực đọc hiểu, làm toán và khoa học). Tuy lần đầu tiên tham gia PISA nhưng kết quả Việt Nam đạt được rất đáng tự hào: Về lĩnh vực Toán học, học sinh Việt Nam đứng thứ 17/65; lĩnh vực đọc hiểu - 19/65, lĩnh vực khoa học - 8/65. Với kết quả này, Việt Nam đứng trong nhóm 20 nước có điểm các lĩnh vực cao nhất và cao hơn điểm trung bình của các nước phát triển.
3. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic khu vực và quốc tế các môn tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Việt Nam cử đủ số thí sinh dự thi của từng đội tuyển và tất cả các em đều đoạt giải. Cụ thể là: 29 học sinh dự thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương (23 học sinh dự thi Olympic các môn văn hóa đoạt 6 huy chương Vàng, 9 huy chương Bạc và 8 huy chương Đồng, trong đó môn Toán học xếp thứ bảy thế giới, được Chủ tịch nước gửi thư khen; 6 học sinh dự thi Olympic các môn khoa học trẻ đoạt 1 huy chương Vàng và 5 huy chương Bạc).
Đội tuyển dự Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế Intel ISEF 2013 đoạt 2 giải Tư. 8 học sinh dự thi Olympic Vật lý châu Á đoạt 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và 3 Bằng khen.
Đặc biệt, đội tuyển quốc gia Việt Nam lần đầu tiên dự thi Olympic Tin học châu Á đoạt 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng. Việt Nam là một trong số năm đoàn có học sinh đoạt huy chương Vàng và đứng thứ tư toàn đoàn.
Thủ tướng Chính phủ dự và trao thưởng tại Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế và học sinh đỗ thủ khoa các khối thi tuyển sinh đại học năm 2013.
4. Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47). Tham dự Hội nghị có 200 đại biểu đến từ 15 quốc gia và đại diện các tổ chức quốc tế (các quốc gia thành viên chính thức, các quốc gia và tổ chức thành viên liên kết, các trung tâm khu vực và đối tác phát triển của SEAMEO). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự và phát biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - Phạm Vũ Luận được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO 47), khẳng định Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực đóng góp vào sự phát triển giáo dục, khoa học và văn hóa của khu vực.
5. Thành lập hai tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động với nguyên tắc độc lập, khách quan, công khai, minh bạch. Hai trung tâm kiểm định này có nhiệm vụ tổ chức đánh giá, công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
6. Công bố chủ trương thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng từ năm 2014, theo đó các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc xác định phương thức tuyển sinh và đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Chủ trương này cùng với việc hình thành các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập là những bước đột phá, mở đầu trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo yêu cầu của Luật giáo dục đại học và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8; đánh dấu một bước quan trọng của việc quản lý chất lượng, coi trọng cả quá trình đào tạo, các yếu tố đầu vào và kết quả đầu ra.
7. Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học, trong đó quy định hệ thống chức danh và tiêu chuẩn các chức danh giảng viên được làm căn cứ để xếp hạng chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ chính sách đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học; giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây là nguồn động viên và động lực phấn đấu đối với đội ngũ nhà giáo.
8. Bổ sung nhiều chính sách đối với giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là: Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 bổ sung chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền ăn và nhà ở; Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thi đỗ vào học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Cùng với các quy định đã có, các quy định này góp phần hoàn thiện thêm hệ thống chính sách, thể hiện sự không ngừng quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
9. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 692/QĐ-TTgCP ngày 04/5/2013 phê duyệt Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020. Hai đề án đảm bảo sự phát triển của phương thức giáo dục thường xuyên theo quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
10. Đại hội thể thao học sinh khu vực Đông Nam Á lần thứ 5 - 2013 tại Hà Nội với sự tham dự của 8 nước, tranh tài ở 9 môn thi đấu. Đoàn thể thao học sinh Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn, với 100 huy chương (50 huy chương Vàng, 27 huy chương Bạc và 23 huy chương Đồng).
Đây là một kỳ Đại hội thành công, có ý nghĩa động viên phong trào rèn luyện sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện học sinh, đồng thời cũng nâng cao vị thế của ngành Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.