Cà Mau quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo

Cà Mau quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo
Những năm qua, ngành giáo dục Cà Mau luôn chú trọng quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng.
Giáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục. Luật giáo dục (điều 15 chương I) nêu rõ "Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện, nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, có chính sách bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình…". Với nhận thức đó, những năm qua, ngành giáo dục Cà Mau luôn chú trọng quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng.
Theo đó, hàng năm Ngành Giáo dục luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD toàn ngành. Đó là đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử… Đồng thời, chuẩn hóa trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng và đánh giá nhà giáo và CBQLGD. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong và tư cách của đội ngũ nhà giáo để làm gương cho học sinh, sinh viên.
on_06_mon_thi_tot_nghiep_theo_dinh_huong_cua_bo_giao_duc_dao_tao.jpg

Nhà giáo có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục
Năm 2015, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau có 45 trường THPT và cơ sở giáo dục trực thuộc với 2.260 giáo viên. Ðội ngũ giáo viên về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu dạy học. Về chuyên môn, trình độ thạc sĩ trở lên có 201 người, cử nhân có 1.919 người. Đội ngũ nhà giáo có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục. Có nhiều tấm gương, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tận tụy với nghề, vượt qua khó khăn, thiếu thốn để gắn bó với trường lớp. Nhiều thầy giáo, cô giáo phát huy năng lực trí tuệ, tài năng sư phạm, góp phần quan trọng trong việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình phát triển giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. 
Bước vào năm học 2015-2016, để đảm bảo sự cân bằng trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, giáo viên, ngành giáo dục tiếp tục quy hoạch lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để đảm bảo có chất lượng và đồng bộ, hợp lý về cơ cấu môn học, tạo sự ổn định tư tưởng và yên tâm công tác. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút người có chuyên môn giỏi, trình độ cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở GD&ÐT.