GIÁO DỤC CÀ MAU TRONG THỜI KỲ SAU GIẢI PHÓNG (1975-1996)

Ngày 01/5/1975 tỉnh Cà Mau được giải phóng hoàn toàn, lúc bấy giờ tỉnh có 6 huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Ngọc Hiển, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Cà Mau. Dân số gần 600.000 người; lực lượng giáo viên chế độ cũ có khoảng hơn 1000 người. Tiểu ban giáo dục tỉnh tập hợp giáo viên tại thị xã Cà Mau và vùng viên thị xã tại trường trung học An Xuyên (nay là trường THPT Cà Mau) để ghi danh sách và nghe thông báo chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những quy định của chính quyền cách mạng để họ yên tâm tiếp tục phục vụ cho ngành.
Thực hiện Chỉ thị ngày 15/07/1975 của Ban Bí thư, tỉnh tiến hành xóa bỏ các trường tư, giữ lại tất cả giáo viên của chế độ cũ để chọn lưu dụng. Tỉnh đã mở hàng chục lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị cho hàng ngàn giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn xã hội.
Sau các đợt học tập, tỉnh phân công giáo viên trường nào trở lại trường đó tiếp tục giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa của cách mạng. Ta đưa cán bộ cốt cán của ngành giáo dục trong kháng chiến trực tiếp phụ trách Hiệu trưởng, Hiệu phó ở các trường. Chính quyền cách mạng tỉnh còn chỉ đạo cho chính quyền cách mạng ở các địa phương trong tỉnh thực hiện thật tốt việc khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng. Theo đó kết quả giáo dục sau giải phóng đến năm 1996 được thể hiện ở các ngành học, cấp học như sau:
1. Đối với Giáo dục mầm non
Sau giải phóng ngành giáo dục cách mạng chỉ tiếp nhận được 6 lớp mẫu giáo thuộc khu vực nhà thờ và các trường tư thục, với số cháu là 330 cháu và 16 cô nuôi dạy trẻ. Do điểm xuất phát của ngành học mầm non quá thấp nên nhiệm vụ của ngành học mầm non lúc này là phát triển nhanh mạng lưới trường lớp mẫu giáo trên tất cả các địa bàn của các huyện (thị). Để thực hiện được mục tiêu này, ngành giáo dục tỉnh phải khắc phục khó khăn. Trước hết là đội ngũ giáo viên quá thiếu, ngành phải tuyển cả học sinh có trình độ văn hóa cấp 2 để đào tạo cấp tốc; thứ hai là dân cư ở vùng nông thôn phân tán, kênh rạch chằng chịt nên việc đi lại khó khăn, đây là trở ngại lớn cho việc xây dựng các lớp mẫu giáo, nhiều nơi phải ghép lớp mẫu giáo vào trường cấp 1.
Năm học 1976-1977, toàn tỉnh Minh Hải (Cà Mau – Bạc Liêu) đã xây dựng được 19 lớp mẫu giáo với số cháu đến lớp 890 cháu. Đến năm học 1979-1980, số lớp mẫu giáo phát triển được 171 lớp với tổng số cháu đến lớp 5275 cháu và 205 giáo viên. Ngành học mầm non đã làm tốt công tác tuyên truyền, do vậy bước vào năm học 1982-1983, số lớp mẫu giáo đã lên tới 257 lớp, số cháu đến lớp 7173 cháu, số giáo viên và cô nuôi dạy trẻ 361. Những nơi có phong trào phát triển trường lớp mẫu giáo mạnh nhất ở giai đoạn này là 02 thị xã Cà Mau, Bạc Liêu và các huyện Giá Rai, Cái Nước, Đầm Dơi.
Đến năm học 1985-1986 toàn tỉnh Minh Hải đã có 280 lớp mẫu giáo, 8141 cháu, 77 nhóm trẻ với số cháu là 2115.
Theo chủ trương sắp xếp lại bộ máy, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, năm 1987 ở Trung ương, Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em sáp nhập vào Bộ Giáo dục, ở tỉnh năm 1987 cũng sáp nhập Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em vào Sở Giáo dục.
Bước vào thời kỳ đổi mới, do tác động của nền kinh tế thị trường, một số xí nghiệp, nông trường trong tỉnh chưa thích ứng kịp với cơ chế mới nên làm ăn thua lỗ, công nhân nghỉ việc hàng loạt. Trong hoàn cảnh ấy, các nhà trẻ, nhóm trẻ và các trường, lớp mẫu giáo đã vấp phải khó khăn, không phát triển được. Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau giảm xuống còn 32 nhóm trẻ; đối với mẫu giáo giảm xuống còn 241 lớp vào năm 1990. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo, ngành học mầm non đã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hoạt động có chất lượng ở các nhà trẻ, nhóm trẻ và các trường mẫu giáo thuộc điểm chỉ đạo của tỉnh và của các huyện, thị xã như: nhà trẻ Hương Tràm, trường mẫu giáo Sơn Ca, nhà trẻ Hoa Sen.
Trong những năm 1992 đến 1995 giáo dục mầm non đã khôi phục dần; đến năm học 1995-1996 hệ thống nhà trẻ - nhóm trẻ và trường lớp mẫu giáo ở tất cả các loại hình trong tỉnh Minh Hải đều được củng cố và tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh Cà Mau đã có 24 trường mẫu giáo. Số trẻ 5 tuổi được học ở trường mẫu giáo đạt 78% so với số cháu đến trường và đạt 51,1% so với số cháu trong độ tuổi.
Năm học 1996-1997 mạng lưới trường lớp dân lập, tư thục được quan tâm phát triển có 11 nhóm trẻ gia đình, với 64 cháu, 13 lớp mẫu giáo dân lập, tư thục với số cháu là 327 cháu.
Nâng tổng số cháu đến trường lớp mẫu giáo và cháu nhóm trẻ - nhà trẻ ở thời điểm này 12.810 cháu, trong đó có 424 cháu ở nhóm trẻ - nhà trẻ và 12.386 cháu ở trường lớp mẫu giáo; đạt tỉ lệ 10,32% so với số cháu từ 0 đến 5 tuổi.
 
 
2. Đối với Giáo dục phổ thông:
Đối với ngành giáo dục phổ thông trên cơ sở các trường, lớp, cán bộ, giáo viên trong kháng chiến, tiếp nhận giáo viên chi viện từ miền Bắc, tiếp quản các trường học do chế độ cũ để lại, xây dựng mới trường, lớp bằng vật liệu địa phương; tái tuyển và sử dụng trên 80% giáo viên chế độ cũ, tuyển dạy và đào tạo cấp tốc giáo viên mới. Năm học đầu tiên sau năm 1975 (năm học 1976-1977) được khai giảng ở tất cả các huyện, thị xã trong toàn tỉnh (chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau)  với số người học đến trường đông chưa từng có với 663 trường phổ thông các cấp; với 2239 lớp, 2295 giáo viên, 86540 học sinh. Hầu hết ban điều hành của các trường cấp I đều do quần chúng, giáo viên tín nhiệm tiến cử. Riêng các trường cấp II, cấp III Ban giám hiệu gồm Hiệu trường và các Phó Hiệu trưởng do Ty giáo dục bổ nhiệm.
Vấn đề nan giải của giáo dục tỉnh Cà Mau sau giải phóng là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp thiếu nghiêm trọng. Bởi lẽ, do đất nước đã chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, ngành giáo dục mới có những đòi hỏi cao hơn về năng lực quản lý cũng như chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ lao động sư phạm. Mặt khác, do miền Nam được giải phóng hoàn toàn, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc nên mọi người dân đã động viên con em của mình đi học để sau này góp phần xây dựng quê hương đất nước. Vì vậy, số lượng học sinh ở năm học đầu tiên sau giải phóng đã tăng đột biến. Đội ngũ giáo viên của chế độ cũ, một phần bỏ nghề, một phần không được tuyển dụng với nhiều lý do khác nhau, nên dẫn đến các trường học trong tỉnh đều thiếu cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp nhất là giáo viên cấp II và cấp III.
Bước sang năm học 1977-1978, ngành giáo dục tỉnh (Cà Mau – Bạc liêu) đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển thì đất nước lại lâm vào giai đoạn khó khăn mới, đó là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, đã tác động không nhỏ đến hoạt động giáo dục của địa phương; số học sinh bỏ học nhiều, giáo viên bỏ nghề để xuất ngoại hoặc làm nghề khác khá nhiều, đặc biệt ở hai thị xã Cà Mau và Bạc Liêu dẫn tới các hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục giảm sút, xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình giáo dục cả nước có chiều hướng suy giảm, ngày 16/6/1978 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 47/CT-TW hướng dẫn công tác giáo dục miền Nam trong 3 năm (1978-1980), đề ra kế hoạch phát triển giáo dục tích cực và vững chắc về bổ túc văn hóa, mầm non và phổ thông. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, ngày 11/01/1979 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 14/NQ-TW về cải cách giáo dục.
Thực hiện Nghị quyết này ở Cà Mau, trong năm 1979 đã triển khai rộng rãi theo đúng kế hoạch của Trung ương. Để mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết về cải cách giáo dục, bước vào năm học 1979-1980, ngành giáo dục tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) đã tổ chức phát động phong trào “Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học”.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Minh Hải, ngành giáo dục đã sắp xếp, củng cố mạng lưới trường lớp, chuyển số trường cấp I có ít lớp thành điểm trường; mở thêm nhiều điểm trường mới tận xóm, ấp, vùng sâu, vùng xa nên một trường tiểu học có nhiều điểm trường lẽ, có trường có đến trên 20 điểm lẻ; thành lập mới các trường phổ thông cơ sở (gồm cấp I và II); đẩy mạnh công tác phổ cập cấp I, huy động tối đa học sinh mọi lứa tuổi trên tất cả các địa bàn của tỉnh từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa đến trường.
Từ năm 1979-1982, sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, những khó khăn về kinh tế - xã hội đã tác động trực tiếp đến ngành giáo dục. Cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kết hợp với nhận thức chưa đầy đủ về sự học nên ở một số nơi trên địa bàn tỉnh học sinh bỏ học khá nhiều, nhất là vùng sâu, vùng xa, nơi mà đời sống vật chất - đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân còn rất thiếu thốn. Do vậy, các Phòng GD&ĐT trong tỉnh Minh Hải đã phải tiến hành ghép lớp, ghép trường để duy trì việc dạy và học. Một số đông học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở nhưng không có điều kiện tiếp tục học lên, mặt khác lại không được chuẩn bị tâm thế để có thể bước vào cuộc sống; nên số học sinh cấp III giảm từ 1063 năm học 1976-1977 xuống còn 801 năm học 1980-1981.
Chưa bao giờ đời sống của đội ngũ lao động sư phạm trong tỉnh lại gặp khó khăn như thời kỳ này.
Từ năm học 1981-1982 trở đi thực hiện cải cách giáo dục cả nước, đánh dấu một chặng đường phát triển mới. Các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã nhận thức ngày một rõ hơn về vai trò, vị trí của giáo dục. Những vấn đề đặt ra cho giáo dục địa phương, mục tiêu đào tạo, chất lượng và hiệu quả giáo dục, dần dần tìm ra những biện pháp để giải quyết, khắc phục từng bước những tồn tại, khó khăn. Những chủ trương lớn của tỉnh nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp của giáo dục thời kỳ này là:
- Tăng ngân sách chi cho giáo dục, tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt quan tâm đến vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa.
- Đẩy mạnh việc đào tạo giáo viên bằng mọi hình thức: chính quy, công đoạn, cấp tốc để có đủ giáo viên đứng lớp.
- Xin chi viện giáo viên từ các tỉnh miền Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
- Kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục từ cơ sở đến tỉnh. Lựa chọn giáo viên, cán bộ có năng lực quản lý và nghiệp vụ chuyên môn bổ sung vào bộ máy quản lý giáo dục.
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với ngành giáo dục; đối với trường học và các cơ sở giáo dục.
- Tổ chức học tập, tuyên truyền động viên nhân dân tham gia xây dựng giáo dục; triển khai thực hiện chương trình xã hội hóa sự nghiệp giáo dục.
Kết quả tính riêng số liệu trường, lớp, giáo viên, học sinh phổ thông cyar tỉnh Cà Mau giai đoạn 1976-1997 như sau:
Năm học 1976-1977 1980-1981 1985-1986 1990-1991 1991-1992 1992-1993 1993-1994 1994-1995 1995-1996 1996-1997
1. Số trường 663 193 161 167 305 295 474 462 438 503
- Tiểu học và Trung học cơ sở (cấp I và II) 661 191 151 157s 294 283 462 450 426 488
- Trung học phổ thông (cấp III) 2 2 10 10 11 12 12 12 12 15
2. Số lớp 2239 3380 5799 5429 5914 5911 6478 6391 7264 7725
- Tiểu học (cấp I) 2103 3033 5004 4696 5100 5082 5609 5475 6140 6427
- Trung học cơ sở (cấp II) 120 331 688 646 723 735 758 763 973 1128
- Trung học phổ thông (cấp III) 16 16 107 87 91 94 111 153 151 170
3. Giáo viên 2295 2686 4529 5321 5247 5255 5541 5600 6433 7128
- Tiểu học 2080 2272 3812 4149 4012 4119 4208 4414 5201 5720
- Trung học cơ sở 186 377 633 985 1051 938 1085 973 1022 1186
- Trung học phổ thông 29 37 84 187 184 198 248 213 210 222
4. Học sinh 86540 132891 181544 165963 186170 188444 189918 210951 233719 246661
- Tiểu học (cấp I) 78739 118250 160574 138132 154169 155790 154570 169926 185400 190324
- Trung học cơ sở (cấp II) 6738 13840 18794 24337 27829 28276 30203 35785 41266 48167
- Trung học phổ thông (cấp III) 1063 801 2176 3494 4172 4378 5145 5240 7053 8170
3. Đối với Giáo dục bổ túc
a) Xóa mù chữ
Trọng tâm ở những năm đầu sau giải phóng là Cà Mau đã tập trung thực hiện xóa mù chữ cho người lớn; ngành học bổ túc đã phát huy tích cực kinh nghiệm công tác xóa mù chữ và phong trào bình dân học vụ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để triển khai phong trào.
Phong trào được phát động rầm rộ và vươn lên mạnh mẽ trong phạm vi toàn tỉnh gắn với sự kiện chính trị trọng đại chuẩn bị và tiến hành bầu Quốc hội chung của cả nước. Khẩu hiệu “toàn dân biết chữ để bầu Quốc hội thống nhất” đã tạo được khí thế chính trị mới trong công tác xóa mù chữ ở tỉnh nhà. Công tác điều tra số người mù chữ được kết hợp chặt chẽ với công tác điều tra dân số đã được xúc tiến mạnh mẽ. Các địa phương trong tỉnh đã kịp thời chỉnh lý kế hoạch xóa nạn mù chữ nhằm đảm bảo sự chính xác của kế hoạch. Các lớp học bình dân học vụ đưa pháp lệnh bầu cử vào làm tài liệu giảng dạy ở các môn tập đọc và chính tả. Lớp xóa mù chữ, lớp học bình dân học vụ ở thời điểm này đã trở thành nơi học tập, thảo luận về công tác bầu cử Quốc hội.
Đến năm học 1976-1977, toàn tỉnh đã có 54.526 người thoát dốt. Sau đó, tiếp tục xóa dốt cho 23.929 người, nâng tổng số người thoát dốt ở năm 1977 là 78.455 người, đạt 98%. Kết quả năm 1977 tỉnh Minh Hải (Cà Mau – Bạc Liêu) rất vinh dự được Bộ Giáo dục công nhận hoàn thành công tác xóa mù chữ.
b) Bổ túc văn hóa
Giai đoạn 1975-1996, công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ, đảng viên được quan tâm đúng mức với nhiều loại trường, như: các trường bổ túc văn hóa công nông của tỉnh, của huyện (đây là loại hình trường bổ túc văn hóa tập trung); các trường bổ túc văn hóa tại chức của tỉnh, của huyện (thị) đã được thành lập. Hệ thống trường này đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết nhu cầu học tập của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức trong tỉnh, giải quyết kịp thời việc bổ sung trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ kháng chiến của tỉnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Năm 1976, toàn tỉnh có 16.979 người theo học bổ túc văn hóa từ lớp 2 đến lớp 9. Trong đó, cấp I có 15.400 học viên, cấp II có 1579 học viên. Ở thời điểm này, toàn tỉnh đã có 27 lớp bổ túc văn hóa tập trung với tổng số 843 học viên. Trong đó, cấp I có 678 học viên, cấp II có 165 học viên, kết quả phong trào PCGDTH-CMC của tỉnh Minh Hải thu được kết quả rất khả quan. Năm 1994, chỉ có 01 xã và 02 phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác PCGDTH-CMC (đạt 4,1%), đến năm 1995 đã có 32 xã, phường, thị trấn và 01 thị xã đạt chuẩn quốc gia (đạt 44,4%); năm 1996, đã vượt lên khá mạnh, toàn tỉnh có 59 xã, phường, thị trấn và 4 huyện đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH-CMC (đạt 81,9%).
4. Đối với Giáo dục chuyên nghiệp :
Sau giải phóng giáo dục Cà Mau ngành giáo dục chuyên nghiệp gần như không có gì; nên phải hình thành các trường mới. Trong khi đó đội ngũ giáo viên các cấp, các ngành học thiếu trầm trọng. Để đảm bảo yêu cầu mở rộng mạng lưới trường lớp đến tận xóm ấp ở vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi ngành giáo dục phải đào tạo giáo viên cấp tốc. Trường sư phạm Cà Mau (đây là trường sư phạm trong kháng chiến chống Mỹ, được thành lập tháng 3/1961) được giao nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo cấp tốc trong thời gian 3 tháng, để có giáo viên phục vụ kịp thời cho năm học 1975-1976.
Khi sát nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải (năm 1976), trường sư phạm Cà Mau và trường sư phạm Bạc Liêu sát nhập thành trường trung học sư phạm Minh Hải. Trường trung học sư phạm Minh Hải tiếp tục đào tạo cấp tốc 348 giáo viên. Do yêu cầu đào tạo giáo viên cấp II cho tỉnh, năm 1976 mở khóa đào tạo giáo viên cấp II (hệ 12+2) đầu tiên, có 4 ban: Văn, Sử, Địa, Lý, Toán, Hóa - Sinh. Khóa này đã có 190/268 giáo sinh tốt nghiệp ra trường. Đến năm 1978, Bộ GD&ĐT quyết định chính thức công nhận trường trung học sư phạm Minh Hải và trường sư phạm mầm non cũng được thành lập và đến năm 1991 ghép vào trường trung học sư phạm. Sau 14 năm hoạt động, trường sư phạm mầm non Minh Hải đã mở được 13 khóa, đào tạo cho tỉnh nhà được 1142 giáo viên mầm non, giải quyết được khó khăn cho các huyện (thị) về đội ngũ giáo viên mầm non.
Từ tháng 8/1991, trường trung học sư phạm của tỉnh đi mở thêm loại hình đào tạo theo công đoạn. Tuy nhiên, loại hình đào tạo theo công đoạn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, bởi còn nhiều bất lợi cho chất lượng đạo tạo và phải đào tạo lại, bồi dưỡng chuẩn hóa.
Đến cuối năm 1996, trường trung học sư phạm Minh Hải đã bồi dưỡng chuẩn hóa trên 5000 giáo viên, bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ 1992-1996 cho 8260 giáo viên tiểu học, bồi dưỡng dạy đủ 9 môn ở tiểu học cho 8000 giáo viên.
Để chủ động đào tạo đội ngũ giáo viên cấp II cho tỉnh, UBND tỉnh Minh Hải quyết định thành lập trường Cao đẳng sư phạm vào tháng 8/1978, địa điểm của trường là cơ sở của trường cấp 2 thị xã Cà Mau.
Năm học 1980-1981, trường khai giảng khóa đầu tiên có 4 lớp với tổng số 138 giáo sinh (hệ 12+2). Từ năm 1980 đến năm 1985, trường mở được 5 khóa thuộc hệ 12+2 và hệ 9+3. Đến năm 1985, trường dời về thị xã Bạc Liêu.
Năm học 1986-1987, trường mở thêm hệ đào tạo tại chức (12+2); từ năm 1987-1988, mở thêm hệ 12+3 (đào tạo giáo viên cấp II - Cao đẳng tập trung); từ 1991-1992, mở thêm hệ 12+3 (Cao đẳng tại chức) và từ năm học 1992-1993, mở thêm hệ 12+3 (Cao đẳng sư phạm - chuyên tu), dưới sự bảo trợ của Cao đẳng sư phạm Cần Thơ.
Từ khi thành lập trường Cao đẳng sư phạm Minh Hải (8/1978) đến năm 1997, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng theo 4 hệ: 12+2, 9+3, 12+3 và Đại học chuyên tu đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết tình trạng thiếu, yếu, mất cân đối giáo viên cho tỉnh.
Do yêu cầu đào tạo cán bộ cho các ngành của tỉnh, năm 1985 Minh Hải mở phân hiệu Đại học, địa điểm đặt tại thị xã Bạc Liêu. Đến năm 1989, đổi tên phân hiệu Đại học Minh Hải thành trung tâm Đại học tại chức Minh Hải.
Ngoài ra, trong giai đoạn này tỉnh còn hình thành và phát triển các trường: trường Đảng Châu Văn Đặng (trường Chính trị), trường trung học Kinh tế, trường trung học Y tế, trường trung học Văn hóa – Nghệ thuật, trường Công nhân – Kỹ thuật; tất cả các trường trên đều đặt tại thị xã Bạc Liêu; đã có nhiều đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chính trị, chuyên môn từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên; đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn này.
Tóm lại, trong giai đoạn 1975-1997 đánh dấu một giai đoạn phát triển vượt bậc của ngành giáo dục tỉnh Minh Hải (Cà Mau – Bạc Liêu) vừa kế thừa và phát huy thành tựu của sự nghiệp giáo dục cách mạng trong kháng chiến; vừa xóa bỏ tàn tích những mặt tiêu cực của giáo dục chế độ cũ; vừa xây dựng tạo nền móng và phát triển rộng khắp, toàn diện sự nghiệp giáo dục cách mạng trong thời kỳ mới. Đã làm tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân từ giáo dục mầm non đến trung cấp chuyên nghiệp; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới.
Về một số đơn vị, trường học nổi bật, điển hình tiên tiến trong giai đoạn này ở Cà Mau có: trường mẫu giáo Bông Hồng, mầm non Hương Tràm; trường phổ thông cơ sở Nguyễn Tạo (là là cờ đầu của ngành giáo dục phổ thông, đơn vị đầu tiên và duy nhất trong tỉnh Minh Hải được Chủ tịch Nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba năm 1988); trường phổ thông cơ sở Phan Ngọc Hiển, trường trung học phổ thông chuyên Phan Ngọc Hiển, trường trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ, trường trung học phổ thông bán công Cà Mau, trường trung học phổ thông Đầm Dơi…
Về lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo giai đoạn này có:
Các Giám đốc (Trưởng ty):
1. Ông Võ Quang Vũ (6 Quang), từ năm 1975 đến năm 1983
2. Ông Huỳnh Thanh Trí (3 Bé), từ năm 1983 đến năm 1985  
3. Ông Lê Quang Phước (2 Phước), từ năm 1985 đến năm 1990
4. Ông Nguyễn Việt Hồng (Quốc Việt), từ năm 1990 đến năm 1996
Các Phó Giám đốc (Phó Trưởng ty)
1. Ông Huỳnh Thế Thương (Tư Thương), từ năm 1975 đến năm 1976
2. Ông Lê Văn Dương (3 Châu), từ năm 1975 đến năm 1976
3. Ông Vũ Ngọc Ân (7 Ân), từ năm 1975 đến năm 1977
4. Ông Huỳnh Thế Truyền (8 Cẩn), từ năm 1976 đến năm 1982
5. Ông Tô Đình Quất (4 Quý), từ năm 1976 đến năm 1986
6. Ông Phạm Sô (3 Sơn), từ năm 1976 đến năm 1990
7. NGƯT Thái Văn Long, từ năm 1990 đến năm 1996
8. Ông Trần Văn Minh, từ năm 1990 đến năm 1996
9. Ông Lữ Việt Hùng, từ năm 1994 đến năm 1996