Khởi sắc giáo dục vùng sâu
- Chủ nhật - 15/11/2015 22:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Rút dần khoảng cách
Nếu như cách nay khoảng 5 năm, Ngọc Hiển được xem là “ốc đảo” của “vùng trũng” giáo dục Cà Mau do điều kiện khó khăn, đường đi cách trở, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, giáo viên rời bỏ bục giảng... thì nay, sau nhiều năm phấn đấu, ngành giáo dục nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Trường học khang trang, lớp học sạch đẹp và những ngôi trường 2 tầng đã kết nối thành hệ thống giáo dục hoàn chỉnh.
Trường, lớp học ở vùng Ngọc Hiển đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng được nhu cầu dạy và học. |
Sau hơn 3 năm giữ vững danh hiệu đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, Trường Tiểu học 1 xã Tam Giang Tây đã tạo được uy thế của ngôi trường vùng khó. Tiền thân là điểm trường cây lá tạm, nhiều lượt giáo viên trẻ không chịu nổi cảnh sống khó khăn nên chuyển công tác giờ không còn diễn ra. Những người bám trụ đến nay cũng ngoài 50 tuổi. Thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, những thế hệ giáo viên yêu nghề bám trụ lại cũng không nghĩ ra được sự chuyển biến như ngày hôm nay.
Mạng lưới trường, lớp trong tỉnh cơ bản hoàn thiện. Từ rừng U Minh Hạ đến Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, từ bậc học mầm non đến THPT giờ dễ dàng bắt gặp những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn (mỗi huyện hiện đang sở hữu trên 20 trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học). Thành quả 184 trường đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm tháng 11/2014 thực sự thổi bùng thêm quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại chuyển giao và áp dụng công nghệ vào giảng dạy.
Nhìn lại nhiều năm học trước, huyện Trần Văn Thời phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả khích lệ. 13/13 xã, thị trấn vẫn duy trì giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Những địa phương khó khăn nhất của huyện như: Khánh Bình Tây Bắc, Phong Ðiền, Khánh Bình Tây… bây giờ không còn cảnh thiếu lớp, thiếu thầy.
Thời gian và nỗ lực đã minh chứng cho sự trưởng thành vượt bậc của ngành giáo dục Cà Mau nói chung. Từ những vùng biển xa xôi hay vùng quê trù phú, phố thị giờ cũng khó nhận ra khoảng cách. Sự phát triển đều và tương đồng giữa các vùng càng giúp hệ thống giáo dục Cà Mau ngày thêm hoàn thiện.
Thoát khỏi “vùng trũng”
Tình trạng giáo viên rời trường vì các điều kiện sinh hoạt, công tác được hạn chế đến mức tối thiểu, từ đó dần đi vào ổn định. Ông Hoàng Ngọc Hùng, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Nhìn tổng thể, giáo dục của huyện gặp khó khăn nhất so với các địa phương khác của Cà Mau. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với những chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ cho giáo viên, tình trạng thiếu cục bộ, nghiêm trọng được khắc phục”.
Phát triển song hành cùng hệ thống giáo dục quốc dân, công tác giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc Khmer cũng ghi nhận nhiều thành quả. Hiện với 3 điểm trường phổ thông dân tộc đã đảm bảo nhu cầu học tập của hơn 800 học sinh con em đồng bào dân tộc. Ngoài những hỗ trợ từ ngân sách, nhiều địa phương còn huy động xã hội hoá. Ở Trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem, huyện Thới Bình còn có hình thức mới: công tác tình nguyện “xã hội hoá con chữ” của những người thầy nông dân nhiều năm qua đã giúp việc truyền chữ mẹ đẻ của đồng bào thuận tiện hơn, trong khi đội ngũ giáo viên chuyên về tiếng Khmer trong tỉnh còn chưa đảm bảo.
Toàn tỉnh hiện có 548 trường học hệ phổ thông (từ mầm non đến THPT), với 8.596 lớp học, 244.545 học sinh và trên 16.000 giáo viên, nhân viên phục vụ. Trong đó, công nhận đạt chuẩn quốc gia 184 trường (khu vực TP Cà Mau 32 trường, các huyện 152 trường). |
Về xã Tân Lộc, hỏi “thầy giáo” Út ai cũng biết. Người ta còn biết đến ông Út vì tinh thần cống hiến “hết mình” mà không cần đòi hỏi mỗi khi làng xóm cần ông. Hữu Minh Út năm nay gần 60 tuổi, quãng đời ông từng trải qua nhiều hoạt động trong tổ chức đoàn thể, Nhà nước. Năm 2010, Ban Quản pháp chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình quyết định mượn cơ sở Trường Phổ thông Dân tộc Hữu Nhem mở lớp. 5 người thầy: Hữu Nhơn, Hữu Dương, Lý Huỳnh Khương, Hữu Minh Bận và Hữu Minh Út là những lão nông chân đất, mấy khi mơ được đứng trên bục giảng, nay được làm thầy thực sự.
Nhưng điều tâm đắc nhất của ông vẫn là công tác truyền chữ - tiếng mẹ đẻ cho con em vùng đồng bào mình đang sinh sống. Do điều kiện kinh tế, đời sống nhiều bà con gặp khó khăn. Ông có ý định dạy chữ dân tộc cho bộ phận bà con với ước muốn “xoá mù” tiếng và chữ viết dân tộc.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT, cho hay: Ngành giáo dục và đào tạo Cà Mau, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng xa, đến thời điểm này thực sự đảm bảo hội đủ các điều kiện thuận lợi trong giảng dạy và học tập. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí khu vực khó khăn vùng nông thôn, cộng hưởng cùng nhịp độ phát triển “vượt qua vùng trũng” của giáo dục tỉnh nhà./.