TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO TỈNH CÀ MAU

Nhân dân ta vốn có truyền thống "Tôn sư trọng đạo", đó là nét đẹp bền vững trong tâm hồn trọng nghĩa Việt Nam. Việc tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hàng năm không những đã trở thành ngày Hội truyền thống của giáo chức mà còn là ngày hội giáo dục, một sinh hoạt tinh thần rất văn hóa của dân tộc ta.
   Năm nay chúng ta tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỷ niệm 50 năm giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam, cho nên nó đã có ý nghĩa kép. Trước hết đó là sự ra đời của ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta còn nhớ vào ngày 28/9/1982 Nhà nước ta đã có một quyết định làm nức lòng giáo giới và nhân dân ta: đó là việc lấy ngày 20-11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định trên đã đưa vai trò và vị trí của nhà giáo lên vị thế quan trọng nhất và từ đó đến nay ngày 20-11 hằng năm đã có một ý nghĩa và nội dung kép, đó là ngày chúng ta nhớ tới sự ra đời của Hiến chương các nhà giáo toàn thế giới và lớn hơn nữa đó là ngày toàn xã hội hướng về vị trí lớn lao, cao quý của Nhà giáo Việt Nam. Trước đó dân tộc ta đã có truyền thống tôn sư trọng đạo được lưu truyền lâu đời, nhân dân ta cũng đã có sự chăm sóc, biết ơn, đề cao quí trọng và phát huy vai trò người thầy. Nhưng phải tới khi có ngày Nhà giáo ViệtNam, thì toàn xã hội mới có những chuyển biến lớn, chuyển biến thực sự theo chiều hướng tiến bộ nhất. Thực tiễn đã qua cho thấy từ ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-1982 đến nay ở tỉnh nhà chúng ta các hoạt động quan tâm chăm sóc nhà giáo đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Truyền thống và hoạt động tôn sự trọng đạo không chỉ là mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa phụ huynh học sinh với nhà giáo; không chỉ là việc riêng của ngành giáo dục nữa, mà giáo dục và Nhà giáo đã được đặt ở vị trí trung tâm của hoạt động kinh tế - văn hoá – xã hội, trong nhân dân tỉnh nhà đã mất dần đi quan niệm coi giáo dục là một hoạt động phúc lợi mà hầu hết người dân bắt đầu coi giáo dục là một ngành nền tảng của kinh tế xã hội, cần phải được ưu tiên đầu tư, là quốc sách hàng đầu; các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền đã có sự quan tâm nhiều hơn, thiết thực hơn, cụ thể hơn, cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà nói chung, cho các nhà giáo nói riêng. Từ đó ngành GD&ĐT Cà Mau đã có sự phát triển tiến bộ không ngừng. Phát huy kết quả của 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; năm nay một việc làm nữa thể hiện tấm lòng của chúng ta "Uống nước nhớ nguồn" đó là vào ngày 05 tháng 10 năm 2012 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 4179/QĐ-BGDĐT truy tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho 810 Nhà giáo liệt sĩ kháng chiến thời kỳ chống Mỹ ở miền Nam, trong đó có 31 nhà giáo liệt sĩ ở Cà Mau.Nhớ lại, cách đây đúng 50 năm vào năm 1962 trước đòi hỏi của việc quản lý phong trào giáo dục vùng giải phóng ở miền Nam sau Đồng Khởi, Tiểu ban Giáo dục của Trung ương Cục được thành lập và sau đó các Tiểu ban Giáo dục ở khu, tỉnh, huyện, xã lần lượt ra đời để chỉ đạo phong trào giáo dục khắp cả miền Nam; trong đó có vùng đất Cà Mau được cho là "Cái nôi của nền giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ". Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với quân sự, chính trị, văn hóa… giáo dục cũng là một mặt trận và giáo dục cách mạng Cà Mau đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục cách mạng mà Đảng ta đã chỉ rõ trong Thông tư số 44/TT ngày 13/02/1963 là: "Dựa vào lực lượng nhân dân, cán bộ giáo dục và các nhà giáo yêu nước, kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động, ngoại lai, đồi trụy của Mỹ - Ngụy, tích cực xây dựng một nền giáo dục dân tộc, dân chủ và khoa học theo chủ nghĩa Mác-Lênin, nhằm bồi dưỡng chính trị, văn hóa cho nhân dân lao động trước nhất là cán bộ và chiến sĩ, nhằm đào tạo thế hệ trẻ toàn diện, biết căm thù giặc sâu sắc, biết yêu nước nồng nàn, có kiến thức, đạo đức và sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và kiến thiết xã hội sau này; Bồi dưỡng chính trị văn hóa cho nhân dân lao động trước nhất là cán bộ chiến sĩ kiên quyết đả phá chính sách ngu dân và các hình thức giáo dục nô dịch, phản động ngoại lai, đồi trụy của Mỹ - ngụy". Thật vậy sự nghiệp giáo dục cách mạng Cà Mau trong kháng chiến chống Mỹ đã tạo ra biết bao chiến tích, bao thành tựu, đã để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học lịch sử quý giá. Đánh giá đúng những thành tựu đã đạt được và rút ra những bài học lịch sử của sự nghiệp giáo dục cách mạng Cà Mau trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là lương tâm của mỗi chúng ta đối với nhiều thế hệ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên kháng chiến đã cống hiến góp phần sức lực và xương máu của mình cho sự nghiệp cách mạng Cà Mau thắng lợi hoàn toàn.
Đã có biết bao nhà giáo từ khắp mọi miền đất nước đã hy sinh, đỗ máu công tác trên mảnh đất Cà Mau thân yêu; sự hy sinh đó đã không uổng phí khi mà các Nhà giáo kháng chiến này đã đào tạo ra một lớp người vừa phục vụ kháng chiến gay go, quyết liệt, vừa là lực lượng cán bộ có chất lượng xây dựng quê hương, đất nước khi hòa bình lập lại đến nay. Tiếp nối truyền thống này, giáo dục Cà Mau sau giải phóng đến nay cũng đã lập được nhiều thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ "Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài" cho quê hương. Thành tích đó trước tiên phải kể đến công lao to lớn của các  thể hệ nhà giáo và CBQLGD; trong đó có cả các nhà giáo kháng chiến. Đó là sự nỗ lực, cố gắng của trên 16.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên hiện đang công tác, giảng dạy ở các  loại hình trường, lớp trên khắp các địa bàn khác nhau trong tỉnh. Tiêu biểu cho lực lượng này là những nhà giáo ưu tú, những chiến sĩ thi đua, những giáo viên dạy giỏi các cấp; đặc biệt là các nhà giáo giảng dạy tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Song bằng lương tâm và trách nhiệm, bằng kỷ cương và tình thương đối với học sinh, những nhà giáo này đã gắn bó mật thiết với trường, với lớp, với học sinh, tận tuỵ với nghề nghiệp, với công việc, đã thực hiện tốt thiên chức cao quí của người thầy.
Đặc biệt trong những ngày qua để thiết thực lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt nam, toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong tất cả các thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên qua các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, các Hội thi dạy giỏi, học giỏi, vỡ sạch chữ đẹp , văn nghệ, báo chí, thể dục, thể thao ở các cấp. Đặc biệt là tham gia các Hội thi văn nghệ cấp tỉnh như: Tiếng hát học đường của học sinh, sinh viên; Tiếng hát dân ca của học sinh tiểu học; Tiếng hát dân ca của giáo viên toàn ngành… Từ đó, đã tạo ra phong trào thi đua ca hát trong học đường sôi nỗi, rộng khắp chưa từng có từ trước đến nay … Ngoài ra các địa phương, các đơn vị trường học đã kịp thời đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi các nhà giáo kháng chiến, nhà giáo về hưu, các nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, các nhà giáo xa quê.
Trong niềm vui, niềm phấn khởi tự hào vì những thành quả mà toàn ngành đã đạt được từ trong kháng chiến chống Mỹ đến hòa bình lập lại cho đến nay và vì sự quan tâm và tôn vinh của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương các cấp, của phụ huynh học sinh, của toàn xã hội đối với các nhà giáo của chúng ta. Cùng với niềm vui đó là bao thời cơ và thách thức không kém phần khó khăn, phức tạp phía trước đang đặt ra cho toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Đó là làm cách nào để nhận ra và khắc phục được những mặt yếu, kém tồn tại, thiếu sót nhanh nhất; làm cách nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện; làm cách nào để xây dựng CSVC trường lớp đạt chuẩn quốc gia; làm cách nào để phát triển giáo dục MN, giáo dục các bậc học khác, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc ngang bằng với bình quân của khu vực và cả nước.
Đặc biệt làm cách nào để xây dựng và nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ nhà giáo và CBQLGD để đáp lại sự tin yêu, tôn trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đáp ứng yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để làm được điều đó tôi xin nêu một vài giải pháp tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD tỉnh nhà, trong thời gian tới, với những nội dung, yêu cầu sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn đội ngũ CBQL và thanh tra giáo dục các cấp, tiếp tục thực hiện việc qui hoạch cán bộ, lãnh đạo quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo yêu cầu đảm bảo các tiêu chuẩn của người CBQLGD do Đảng và Nhà nước quy định; đặc biệt coi trọng năng lực thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
Thứ hai, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giáo viên các ngành học, cấp học đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên môn; có biện pháp tích cực để nâng tỉ lệ giáo viên có trình độ sau đại học, tăng số lượng giáo viên cốt cán đầu đàn đủ mạnh ở tất cả các bộ môn, các khối lớp của các ngành học, bậc học, cấp học.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao và coi trọng phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo, kiên quyết thực hiện “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Hai tốt;  thường xuyên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, gắn với yêu cầu tìm tòi nghiên cứu khoa học, đút kết sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học theo chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT; coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo; là căn cứ để đánh giá, xếp loại giáo viên. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “dân chủ - kỷ cương - tình thương và trách nhiệm” trong nhà trường, mỗi nhà giáo phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo và là người nòng cốt trong phong trào xây dựng gia đình văn hoá, nếp sống văn hoá ở địa phương nơi cư trú.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, công tác xã hội hoá giáo dục, làm cho các cấp lãnh đạo làm cho mọi người, mọi nhà đều quan tâm đến nhà giáo, quan tâm đến sự nghiệp trồng người, tập hợp sức mạnh nội lực của toàn ngành và ngoại lực của toàn xã hội để chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD trong sạch, vững mạnh, vừa hồng, vừa chuyên.