TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH với công tác đào tạo giáo viên theo địa chỉ và liên kết đào tạo,bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên tại tỉnh Cà Mau

Tỉnh Minh Hải là tỉnh cực Nam của Tổ quốc; ngày 06/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu và đến ngày 01/01/1997, tỉnh Cà Mau được tái lập đã chính thức hoạt động. Về mặt hành chính khi mới tái lập, tỉnh Cà Mau có 07 huyện, thị xã; gồm thị xã Cà Mau, huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.
Trở lại đầu năm 1997 khi mới tách tỉnh, trên địa bàn tỉnh Cà Mau ngổn ngang những khó khăn, trở ngại của một tỉnh thuần nông, xa Trung ương, xa các trung tâm văn hóa, thương mại lớn, dân cư một bộ phận còn nghèo, vùng sâu, vùng xa nhiều, cơ sở hạ tầng thấp kém, ngân sách eo hẹp, trường lớp tạm bợ, cơ sở đào tạo không có,hầu hết đều ở Bạc Liêu, đội ngũ cán bộ, giáo viên của tỉnh thiếu nghiêm trọng,tỉ lệ giáo viên không đạt chuẩn còn cao ,phần lớn còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, không đồng bộ về bộ môn …

Đứng trước thử thách đó, riêng đối với ngành Giáo dục, lãnh đạo ngành đã tham mưu với Lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh thành lập mới các cơ sở đào tạo của ngành, mở rộng quan hệ liên kết đào tạo theo địa chỉ với các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp ngoài tỉnh, trong đó đặc biệt liên kết đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh theo địa chỉ.

 Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ những ngày đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng theo Quyết định số 426/TTg ngày 27/10/1976 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường Đại học trọng điểm Quốc gia và là 1 trong 2 trường Đại học Sư phạm lớn của cả nước, trường đóng vai trò nòng cốt, đầu đàn đối với hệ thống các trường sư phạm ở phía Nam.

Chúng tôi rất trân trọng thành tích và những đóng góp to lớn của trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có tỉnh Cà Mau. Gần 40 năm qua, Trường đã đào tạo, liên kết đào tạo theo địa chỉ, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cho hàng trăm ngàn giáo viên, sinh viên; trong đó có các hình thức đào tạo chính quy, chuyên tu, tại chức  trình độ từ đại học đến sau đại học những cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục, giáo viên các cấp của các địa phương trong vùng, trong đó có tỉnh Cà Mau.

Mặc dù về địa lý Trường cách xa với tỉnh Cà Mau trên 350km, giao thông gặp nhiều khó khăn, nhưng đáp lại đề nghị thiết tha và bức xúc của tỉnh Cà Mau, Trường đã nhiệt tình tham gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL cho tỉnh Cà Mau, từng bước góp phần tích cực giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông của tỉnh Cà Mau. Trong những năm qua, Trường đã phối hợp liên kết chặt chẽ và thường xuyên với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau, như với trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau, trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã thực hiện một cách chặt chẽ và khoa học trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho tỉnh Cà Mau từ khâu tuyển sinh cho đến học hết khóa học, thi và cấp bằng tốt nghiệp. Trường luôn bám sát nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các cấp học, các bậc học theo Quy chế của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt Trường rất chú trọng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, luôn luôn tăng cường các khâu kiểm tra, đánh giá, thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp …Thống kê từ năm 1999 đến nay, Trường đã đào tạo cho Cà Mau 1681 sinh viên với13 ngành, 23 lớp mở tại trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Trường cũng đã đào tạo tại trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được 1348 sinh viên với13 ngành và 414 học viên bồi dưỡng chương trình Sau đại học. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đã có trên 90% được phân công giảng dạy từ giáo dục mầm non đến phổ thông các cấp, được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn và năng lực công tác, nhiều người nay đã trở thành giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán, là CBQL trường phổ thông các cấp.

Mặt khác, hàng năm Trường cũng đã tiếp nhận hàng chục sinh viên của tỉnh Cà Mau nhập học tập trung, chính quy tại Trường. Sinh viên tốt nghiệp hầu hết đã trở về Cà Mau làm việc, đã được đánh giá rất cao và đã phát huy tốt trong chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra trường còn ưu tiên mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, chuyển đổi kiến thức tạo nguồn cho cán bộ, giáo viên tỉnh Cà Mau tham dự các khóa đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý giáo dục và các chuyên ngành khác; kết quả đã có trên 50 CBQL, giáo viên  trúng tuyển theo học tập trung tại trường và đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đang phát huy tốt tác dụng ở địa phương.

Với những đóng góp hết sức quý báu và thiết thực của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho sự nghiệp Giáo dục tỉnh Cà Mau những năm qua,  nhân dân tỉnh Cà Mau, ngành GD&ĐT Cà Mau xin được trân trọng cảm ơn và ghi nhận. Quá trình đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng nhiều Bằng khen cho Trường, các Khoa, Phòng và giảng viên của trường.

Từ thực tiễn và kết quả công tác liên kết đào tạo theo địa chỉ của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đối với tỉnh Cà Mau trong hơn 15 năm qua. Là người được lãnh đạo địa phương phân công trực tiếp tham gia chỉ đạo, theo dõi, phối hợp với lãnh đạo trường để thực hiện nhiệm vụ này, tôi có thể rút ra mấy vấn đề sau:

1. Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một trường Đại học Sư phạm đầu đàn trong vùng khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo chung và liên kết đào tạo theo địa chỉ cho các địa phương trong vùng.

2. Trong điều kiện như thế nào, chúng tôi thấy lãnh đạo trường, lãnh đạo khoa và các cán bộ giảng viên đều làm việc nghiêm túc, đặt tiêu chí chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo lên trên hết. Điều đó càng tăng thêm uy tín và thương hiệu đã có của một trường Đại học Sư phạm trọng điểm chất lượng cao.

3. Trong công tác phối hợp với địa phương trường luôn ân cần, thiện chí tạo những điều kiện thuận lợi và quan tâm đến những điều kiện đặc thù, khó khăn của địa phương để cùng phối hợp giải quyết trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng những quy định của Bộ GD&ĐT và quyền lợi của địa phương, của trường, của các đối tượng có liên quan.

4. Hiện nay do sự nổ lực của bản thân  đội ngũ CBQL và giáo viên của tỉnh nhà cùng với sự giúp đở của Trường đội ngũ nầy đã tương đối ổn định,đã khắc phục cơ bản sự yếu kém và bất cập trước đây.Vì vậy việc liên kết đào tạo theo địa chỉ không còn bức xúc như những năm trước đây. Nhưng yêu cầu mới lại phát sinh vẫn cần có giải pháp phối hợp đào tạo, bồi dưỡng tiếp theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và GDTX và công văn số 8576/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 13/12/2012 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện thông tư trên. Theo đó ngành GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch triển khai và rất cần sự quan tâm, phối hợp bồi dưỡng ,nâng cấp cho đội ngũ CBQL và giáo viên các cấp trong tỉnh của trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Chính vì vậy, Tỉnh Cà Mau mong muốn trong thời gian sắp tới, Trường tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Cà Mau trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cấp trên chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các ngành học, cấp học cho tỉnh.

Nhân dịp này, thay mặt ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau, chúng tôi trân trọng gửi lời tri ơn  đến các thế hệ cán bộ lãnh đạo, giảng viên của các Phòng, Khoa và trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã quan tâm giúp đỡ cho sự nghiệp GD&ĐT Cà Mau phát triển đạt nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng nâng cấp đội ngũ nhà giáo và CBQL tỉnh Cà Mau ,làm tốt hơn sự nghiệp trồng người. Tin tưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững danh hiệu của một trường Đại học Sư phạm trọng điểm chất lượng cao của quốc gia