Đổi mới chương trình đào tạo Đại học ngành Cơ khí

Theo lộ trình Đổi mới chương trình đào tạo tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 19/3/2010 Nhà trường cùng với Viện Cơ khí đã tổ chức Hội thảo Đổi mới chương trình đào tạo Đại học ngành Cơ khí”. Đến dự và chủ trì hội thảo có PGS Nguyễn Cảnh Lương – Phó Hiệu trưởng, PGS Hoàng Minh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Đại học và đại diện một số Phòng, Ban, Trung tâm trong trường. PGS. Phan Bùi Khôi - Viện trưởng cùng Ban lãnh đạo Viện Cơ khí, lãnh đạo các Bộ môn, đông đảo thầy cô giáo, nhà khoa học trong Viện Cơ khí đã có mặt tại Hội thảo. Tham dự hội thảo còn có nhiều đại biểu đến từ các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp ngoài trường: Viện Công nghệ, Công ty SamsungVina, Denso, Canon, Công ty Cơ khí Tân Hòa, Xích líp Đông Anh, Tập đoàn Dầu khí VN…
 
 
 
 
 
Sau lời khai mạc của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Lương, đồng chí Trưởng phòng Đào tạo Đại học đã trình bày Báo cáo tóm tắt Đề án đổi mới Chương trình ĐTĐH trong đó đề cập chủ trương chung của nhà trường về đào tạo Kỹ sư và Cử nhân kỹ thuật.
 
Viện trưởng Viện Cơ khí, PGS Phan Bùi Khôi thay mặt Ban tổ chức phát biểu Đề dẫn về những đặc thù trong đào tạo Kỹ sư, Cử nhân ngành Cơ khí. Cơ sở để xây dựng nội dung chương trình đào tạo là phải tinh gọn, kế thừa tinh hoa của các thế hệ đi trước và các chương trình tiên tiến trên thế gới. Phải dựa trên năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ giảng dạy của Viện và nhà trường để xây dựng chương trình cho phù hợp, vừa làm vừa điều chỉnh.
 
Trong phần tham luận, các đại biểu đến từ Viện Công nghệ nhận xét: Bách Khoa duy trì tốt được môi trường đào tạo và cập nhật kiến thức về chuyên ngành cơ khí cũng rất tốt, đó là 2 tiền đề rất quan trọng. Tuy nhiên các kỹ năng của kỹ sư Bách Khoa vẫn còn yếu so với nhu cầu của cơ sở, của xã hội. Cần chú ý nhiều đến kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng phân tích hệ thốngkỹ năng trình bày ý tưởng.
 
Đại diện công ty Samsung Vina cũng góp ý: các kỹ sư còn thụ động trong công việc. Mong muốn nhà trường lưu ý để sinh viên cơ khí có thêm kiến thức về vật liệu ứng dụng, được đi thực hành, thực tế nhiều hơn. Đặc biệt cần nâng cao kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh.
 
Các thầy cũng đặt ra nhiều câu hỏi rất hay với doanh nghiệp, ví dụ câu hỏi: “Khi phỏng vấn, bao nhiêu phần trăm ứng viên bị rớt và rớt về phần gì? Câu trả lời thật rõ ràng: Khả năng tư duy của KS Bách Khoa là rất tốt nhưng họ rớt vì kỹ năng mềm, về khả năng trình bày bằng tiếng Anh.
 
Trong một buổi sáng làm việc hiệu quả, với nhiều vấn đề được phân tích, đánh giá cặn kẽ và góp ý của các cơ quan doanh nghiệp, những nơi sẽ sử dụng nguồn nhân lực do Bách Khoa đào tạo,Ban soạn thảo sẽ tập hợp và hoàn thiện nội dung chương trình, sớm trình lên nhà trường xét duyệt và triển khai trong thời gian tới.