GS Peter Nicholls trao đổi với cán bộ Viện CNSH-CNTP về nghiên cứu khoa học và giáo dục

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường ĐHBKHN và Trường ĐH Kent (Vương quốc Anh), ngày 18/10/2013, tại P202-C4, Trường ĐHBKHN, GS Peter Nicholls đã có buổi nói chuyện và làm việc với cán bộ Viện CNSH&CNTP về cách tiếp cận nghiên cứu điều trị ung thư hướng đích sử dụng kháng thể đặc hiệu và giới thiệu nền giáo dục tại Anh.

Mở đầu buổi nói chuyện, GS Peter Nicholls đã đề cập tới bệnh ung thư tế bào dòng tủy và những liệu pháp điều trị khác nhau hiện nay như: ghép tủy, hóa - xạ trị và điều trị hướng đích. Trong đó, Giáo sư tập trung trình bày về hướng nghiên cứu điều trị hướng đích – một trong những cách tiếp cận làm giảm thiểu tác động không mong muốn lên các tế bào bình thường. Giáo sư giải thích: do tế bào ung thư dòng tủy biểu hiện kháng nguyên bề mặt là CD33 nên hướng tiếp cận sử dụng kháng thể gắn cộng hợp với đồng vị phóng xạ kháng CD33 để nhận biết các tế bào ung thư. Với việc tiến hành kích thích bằng nguồn năng lượng nhất định sẽ làm kích hoạt các đồng vị phóng xạ phát ra các bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư.

GS Peter Nicholls

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Giáo sư đã tiến hành nghiên cứu tạo kháng thể tái tổ hợp kháng CD33 trong tế bào nấm men Pichia pastoris. Ưu điểm của hướng tiếp cận sử dụng nấm men làm chủng biểu hiện kháng thể tái tổ hợp là có thể tổng hợp một lượng lớn protein và tiết ra ngoài môi trường do đó dễ dàng thu nhận và tinh sạch… Theo GS Peter Nicholls cách tiếp cận điều trị ung thư hướng đích sử dụng kháng thể đặc hiệu đang rất được quan tâm vì hiệu quả và an toàn hơn cho bệnh nhân.

        Cũng trong buổi nói chuyện, Giáo sư đã dành thời gian để chia sẻ và trao đổi với cán bộ Viện CNSH&CNTP về đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Anh, cũng như giới thiệu học bổng trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh giữa hai nước thông qua dự án LOTUS III (là dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Erasmus Mundus Action 2 do EU tài trợ cho 11 trường Đại học tại Châu Á tại 9 trường Đại học nổi tiếng tại Châu Âu trong đó có ĐH Kent - http://www.lotus.ugent.be/index.asp).          

GS Peter Nicholls làm việc ĐH Kent (Vương quốc Anh) từ năm 1995. Ông là giảng viên cao cấp trong lĩnh vực sinh học phân tử và tế bào; đồng thời là nhà nghiên cứu miễn dịch với trên 20 năm kinh nghiệm về nghiên cứu kháng thể tại các Viện nghiên cứu.

Lĩnh vực nghiên cứu của ông là tập trung vào kỹ thuật và sản xuất kháng thể trong điều trị bệnh.

Trước đây GS Peter Nicholls đã tham gia trực tiếp các dự án nghiên cứu về điều trị ung thư và các kết quả thu được đã được thử nghiệm lâm sàng với sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ nghiên cứu ung thư bạch cầu từ năm 1998.

Hiện, GS Peter Nicholls là Giám đốc Chương trình khoa học y sinh và Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Kent.