Hội nghị quốc tế về Cơ khí và Cơ khí chế tạo năm 2014 (RCMME2014) trong khuôn khổ Dự án AUN/SEED-net
- Thứ sáu - 18/03/2016 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phiên Khai mạc Hội nghị diễn ra với sự hiện diện của ông Motoharu Watanabe - Phó cố vấn thuộc Dự án JICA mạng lưới AUN/SEED-Net; cán bộ phụ trách Dự án AUN/SEED-Net; đại diện giáo sư đến từ các trường đại học hỗ trợ của Nhật Bản; bà Miura Ai – Cố vấn cấp cao JICA Hà Nội; ông Hoàng Xuân Hòa - Giám đốc Quản lý kỹ thuật cao cấp GE Hitachi. Về phía Trường ĐHBKHN Hà Nội PGS Phạm Hoàng Lương – Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Phú Khánh – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; PGS Lê Anh Tuấn – Viện Trưởng Viện Cơ khí động lực; PGS Phạm Văn Hùng – Viện trưởng Viện Cơ khí đại diện lãnh đạo Trường và các đơn vị tham gia tổ chức đến dự Phiên Khai mạc. Hơn 180 nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đến từ Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á, Đức, Hoa Kỳ... cũng đã tham dự các nội dung của Hội nghị.
PGS Phạm Hoàng Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Phiên Khai mạc Hội nghị, PGS Phạm Hoàng Lương nhấn mạnh: “Hội nghị RCMME 2014 sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học đến từ các nước chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận về các kết quả nghiên cứu, ý tưởng mới trong lĩnh vực công nghệ cơ khí và cơ khí chế tạo. Đồng thời, Hội nghị đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHBK Hà Nội và mạng lưới các trường đại học kỹ thuật Đông Nam Á (AUN-SEED-net). Hội nghị cũng khẳng định, định hướng phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội là theo hướng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và nền công nghiệp, bắt kịp xu hướng chung trong kết nối nhà trường – doanh nghiệp với các quốc gia trên thế giới và phù hợp với mục tiêu hoạt động của Dự án AUN/SEED-Net giai đoạn 2013-2018 ”.
Hội nghị diễn ra gồm 3 phiên thảo luận với 71 báo cáo khoa học, thuyết trình và 30 báo cáo poster tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: kỹ thuật ô tô, hàng không và năng lượng, kỹ thuật hạt nhân, động lực học chất lỏng… Trong tổng số 200 báo cáo khoa học của các nước tham gia, có 106 bài báo tiêu biểu được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội nghị (có chỉ số ISBN).
Theo nội dung chương trình Hội nghị, bên cạnh các phân ban khoa học trong lĩnh vực Cơ khí và Cơ khí động lực. Diễn đàn Hợp tác Nhà trường – Doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cũng được tổ chức nhằm tạo cơ hội trao đổi hợp tác giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động. Diễn đàn còn mang lại cơ hội quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp, chia sẻ thông tin về khoa học công nghệ với các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Đông Nam Á và các quốc gia khác. Trong khuôn khổ Dự án, các nhà khoa học quốc tế đã có chuyến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tham dự Hội nghị
Thông qua Hội thảo RCMME2014, các nhà khoa học và các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp hướng tới ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất công nghiệp, đổi mới KHCN và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Tiếp nối thành công của các kỳ Hội nghị trước, RCMME 2014 đã góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tăng cường sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; đồng thời khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác nhà trường – doanh nghiệp trong đào tại nguồn nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi