Khởi động Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải tại Việt Nam”
- Thứ sáu - 18/03/2016 21:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của: ông Kim Sikhyon - Quyền Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam; ông Hee-il Lee - Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Hàn Quốc (KIGAM); đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường; PGS Phạm Hoàng Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBKHN; PGS Huỳnh Trung Hải - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Trường ĐHBKHN (đơn vị chính thực hiện Dự án), các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc; đại diện các Khoa, Viện liên quan của Trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS Phạm Hoàng Lương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án khi được thực hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang đứng trước những thách thức về sự gia tăng dân số, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… thì việc nỗ lực để cải thiện môi trường cũng như tìm kiếm các giải pháp tái chế chất thải đóng vai trò hết sức quan trọng để góp phần phát triển bền vững. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng khẳng định: “Việc thực hiện Dự án này tại Trường ĐHBKHN nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải, một trong những tiền đề quan trọng cho việc hình thành ngành công nghiệp tái chế chất thải và triển khai 3R (Reduce- Reuse-Recycle), tạo cơ hội để áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai 3R cũng như công nghệ tái chế chất thải từ Hàn Quốc”.
Chia sẻ tại Hội thảo về kinh nghiệm trong công nghệ tái chế chất thải tại Hàn Quốc, ông Hee-il Lee cho biết: “Viện KIGAM là cơ quan đi đầu, sở hữu nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm trong công nghệ tái chế chất thải tại Hàn Quốc. Do đó, sự hợp tác của KIGAM-HUST không chỉ đem lại cơ hội cho hai đơn vị mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế ở Việt Nam và Hàn Quốc”.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Trường ĐHBKHN và Viện KIGAM đã giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành, hệ thống đào tạo, chuyển giao công nghệ... của hai đơn vị. Các vấn đề quản lý chất thải và tái chế điện tử ở Việt Nam, chính sách chất thải tại Hàn Quốc, tình hình thực hiện dự án quản lý tái chế chất thải điện tử tại Hàn Quốc và các thông tin chính của Dự án cũng được các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trình bày tại Hội thảo.
Trước đó, tháng 8/2013, Trường ĐHBKHN và KOICA đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác Dự án này.
Thông tin chính của Dự án Tên Dự án: Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải tại Việt Nam Thời gian thực hiện: 3 năm từ 2014 - 2016 Nhà tài trợ: Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Nguồn vốn: 1,5 triệu USD nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Đơn vị thực hiện chính của Dự án: Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường ĐHBKHN) Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải nhằm góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam, bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và bảo tồn tài nguyên. Các kết quả dự kiến của toàn bộ dự án: - Phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ tiên tiến tái chế chất thải với đầy đủ trang thiết bị nghiên cứu chính; - Các vấn đề về quản lý và tái chế chất thải điện tử ở phạm vi trong nước và quốc tế; - Công nghệ tiên tiến thu hồi kim loại từ bản mạch in chất thải điện tử; - Các cán bộ Trường ĐHBKHN, chuyên viên quản lý nhà nước và những người liên quan được đào tạo ngắn hạn và trung hạn về chính sách và công nghệ liên quan đến tái chế chất thải nói chung và chất thải điện tử nói riêng... |