Lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo Ngành Nhiệt – Lạnh và 10 năm thành lập Viện Khoa học& Công nghệ Nhiệt – Lạnh.

Hòa trong niềm vui chung của cả nước chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ngày 9/10/2010 tại Hội trường Thư viện Điện tử Tạ Quang Bửu, Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt – Lạnh Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội kết hợp với Hội KHKT Nhiệt Việt Nam và Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo Ngành Nhiệt –Lạnh và 10 năm thành lập Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh.
 
Buổi lễ vui mừng được đón các vị đại biểu, các vị khách quí về tham dự: Đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đồng chí Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Ông Trương Duy Nghĩa -Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam; ông Tạ Quang Ngọc-Chủ tịch Hội KHKT Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp khác.
 
Về phía Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có GS. Nguyễn Trọng Giảng, Phó Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Khoa, Viện, Phòng Ban, Trung tâm trong trường. Các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ viên chức và sinh viên ngành nhiệt – lạnh Trường ĐHBK Hà Nội, các phóng viên báo chí Trung ương và Hà Nội.
 
Trong diễn văn khai mạc, PGS. TS Trần Gia Mỹ - Viện trưởng Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh ôn lại quá trình hình thành và phát triển ngành Nhiệt - Lạnh và của Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh  ĐHBK Hà Nội:
 
Cách đây tròn nửa thế kỷ, tháng 8/1960, Bộ môn Nhiệt điện được thành lập sau khi chia tách Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt, với nhiệm vụ đào tạo các kỹ sư Nhiệt điện cho công cuộc xây dựng đất nước. Qua bao năm tháng, bộ môn dần phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, tách thành nhiều bộ môn, trở thành Khoa Máy lạnh và Thiết bị Nhiệt rồi lại chia tách, phân tán. Nhằm tập hợp lực lượng và đẩy mạnh phát triển, ngày 10/10/2000Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt –Lạnh đã được thành lập theo quyết định Số 4166/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo. Hiện Viện có 4bộ môn: Bộ môn Hệ thống năng lượng nhiệt, Bộ môn Điều khiển & Tự động hóa quá trình nhiệt - lạnh, Bộ môn Kỹ thuật nhiệt, Bộ môn Kỹ thuật lạnh & Điều hoà không khí và 2 trung tâm: TT Tiết kiệm năng lượng & Chuyển giao công nghệ và TT Nghiên cứu ứng dụng. Năm 2005 Viện được trang bị Phòng thí nghiệm Quá trình và thiết bị nhiệt- lạnh tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo và NCKH. Hiện tại Viện có 51 cán bộ viên chức cơ hữu và 30 cán bộ hợp đồng có thời hạn, trong đó có 5 GS, 14 PGS, 4 TSKH, 1 VS, 25 TS.
 
Nhiệm vụ chính của Viện là đào tạo đại học và sau đại học ngành Kỹ thuật Nhiệt –lạnh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong 50 năm qua đã có hơn 2000 kỹ sư, 100 thạc sĩ và gần 20 TS nhiệt – lạnh được đào tạo, đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước trong các lĩnh vực Nhiệt điện, Nhiệt công nghiệp, Kỹ thuật lạnh và Điều hoà không khí. Nhiều cựu giảng viên và sinh viên đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng như lãnh đạo cấp Bộ, cấp Vụ, Giám đốc đại học, Tổng giám đốc tập đoàn, Tổng công ty v.v… Trong 10 năm hoạt động của Viện đã có hàng trăm hợp đồng chuyển giao công nghệ với với doanh số đạt gần 200 tỷ đồng. Nhiều công trình giành được giải thưởng lớn của Nhà nước như Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, giải Vifotec, Huy chương vàng Hội chợ quốc tế…
 
Phát biểu chúc mừng thầy trò Viện KH&CN Nhiệt-Lạnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh và Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Giảng đánh giá cao những thành tích mà các GS - PGS, các nhà khoa học, giảng viên,CBVC và các thế hệ sinh viên ngành Nhiệt –Lạnh Bách Khoa Hà Nội đạt được trong nửa thế kỷ qua, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Tin tưởng rằng trong chặng đường tiếp theo, Viện sẽ có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và cho đất nước, làm vẻ vang thêm danh hiệu Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 
Trước đó, ngày 8/10 Hội thảo “ Vì sự phát triển bền vững của ngành nhiệt – lạnh Việt Nam” cũng đã được tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các nhà khoa học trong lĩnh vực này từ các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp và nhà trường đã cùng nhau thảo luận trao đổi ý kiến về việc sử dụng các nguồn năng lượng hiện có, tiết kiệm hiệu quả và thân thiện môi trường. Tìm kiếm, khai thác các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu do sự gia tăng phát thải khí nhà kính. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường ở nước ta.