Nâng cao khả năng đáp ứng công nghiệp vật liệu Việt Nam trong giai đoạn mới

Thực hiện Kế hoạch công tác chuyên môn năm 2015 của Ban Kinh tế Trung ương (KTTW), sáng ngày 08/7/2015, Ban KTTW và Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công nghiệp vật liệu Việt Nam – động lực, nhu cầu và khả năng đáp ứng” tại phòng 702, Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội.
Thực hiện Kế hoạch công tác chuyên môn năm 2015 của Ban Kinh tế Trung ương (KTTW), sáng ngày 08/7/2015, Ban KTTW và Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công nghiệp vật liệu Việt Nam – động lực, nhu cầu và khả năng đáp ứng” tại phòng 702, Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội.

Hội thảo long trọng đón tiếp sự hiện diện của đồng chí Phạm Gia Khiêm – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng; đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Phạm Xuân Đương  - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Đặng Huy Đông – Phó trưởng Ban kiêm nhiệm Ban kinh tế Trung ương; đồng chí Hoàng Minh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội. Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các Viện nghiên cứu, trường ĐH, doanh nghiệp cùng các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế.

Đồng chí Phạm Xuân Đương phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu với các nhà kinh doanh, nhà hoạch định chính sách về thực trạng, khả năng đáp ứng và nhu cầu phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu trọng yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2015-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Từ đó, xây dựng báo cáo lãnh đạo Ban để trình Bộ Chính trị ban hành chỉ thị chuyên đề về “Chiến lược phát triển vật liệu công nghiệp ưu tiên cho sản xuất trong nước để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035”.

Các đại biểu lắng nghe tham luận của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý

Hội thảo tập trung vào các nội dung: Vai trò của các ngành công nghiệp vật liệu trong phát triển kinh tế và thúc đẩy hội nhập chuỗi giá trị; Đánh giá thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; Phân tích những hạn chế về chính sách và thể chế hiện hành để thúc đẩy ngành các ngành công nghiệp vật liệu; Kinh nghiệm của các nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…) về phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp vật liệu; Chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại và chính sách thuế đối với các ngành công nghiệp vật liệu… 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận cũng như ý kiến phát biểu từ các nhà khoa học, nhà quản lý; đặc biệt là làm rõ vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, tài chính - ngân hàng, của Nhà nước và các tổ chức có liên quan khác trong phát triển công nghiệp vật liệu; lựa chọn sản xuất một số lĩnh vực vật liệu phù hợp điều kiện của Việt Nam, gắn phát triển ngành công nghiệp vật liệu trong tổng thể công nghiệp quốc gia, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sớm hoàn thành mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra.

 

Theo các nhà khoa học, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho lĩnh vực phát triển vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng; tiêu biểu là phải huy động được mọi nguồn lực cho nghiên cứu phát triển, trong đó có phát triển về vật liệu mới, để đạt được mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học là 2% GDP như kế hoạch đề ra. Nhà nước nên tập trung đầu tư cho một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất đối với một số loại vật liệu chiến lược, dùng cả cho mục đích quốc phòng và mục đích dân sự: như ngành chế tạo một số hợp kim titan, thép và hợp kim đặc biệt, vật liệu quang – điện tử... Nhà nước có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực sản xuất vật liệu tiên tiến, vật liệu gia tăng giá trị; Xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển ngành công nghệ vật liệu nói chung và vật liệu tiên tiến nói riêng từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.