« Quay lại Hội nghị cấp vùng Châu Á và Châu Đại dương lần thứ V về các Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu
- Thứ tư - 23/03/2016 02:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội nghị diễn ra long trọng với sự hiện diện của Đại sứ Liên minh Châu Âu – Ngài Franz Jessen, TS Masanori Homma - Kỹ sư trưởng Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản JAXA, Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, PGS Nguyễn Cảnh Lương – Phó Hiệu trưởng ĐHBKHN.
Hội nghị do Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc ĐHBKHN phối hợp với các đối tác quốc tế (bao gồm: Uỷ ban Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về GNSS (ICG); Tổ chức Quốc tế về Dịch vụ GNSS (IGS); Cơ quan Khám phá Không gian Nhật Bản (JAXA); Tổ chức Phát triển Dịch vụ Hệ thống định vị Nhật Bản (QSS), và Dự án EU-FP7 Growing tổ chức. Đây là một trong hai sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ tại Châu Á – TBD diễn ra hàng năm của JAXA.
Hội nghị AOR-5 được tổ chức với mục đích thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ định vị sử dụng vệ tinh trong môi trường đa hệ thống GNSS (multi-GNSS).
Phát biểu tại Hội nghị, PGS Nguyễn Cảnh Lương nhấn mạnh: “ĐHBKHN là trường đại học kỹ thuật hàng đầu đất nước, từ nhiều năm qua Trường đã tập trung phát triển cả về đào tạo, NCKH và HTQT trong lĩnh vực GNSS, và sự ra đời của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) vào năm 2010 là thành quả hợp tác của Trường với các đối tác thuộc Liên minh Châu Âu và cũng là minh chứng rõ nét nhất. Với những thành quả ban đầu rất đáng khích lệ của NAVIS, Trường ĐHBKHN sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phát triển, phấn đấu đưa NAVIS trở thành một đơn vị nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, một đối tác thực sự tin cậy trong hợp tác nghiên cứu GNSS tại khu vực Châu Á và Châu Đại Dương”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Ngoài ra, PGS Phó Hiệu trưởng cũng tin tưởng: “Việc đăng cai tổ chức Hội nghị lần này sẽ là một cơ hội cho giảng viên, sinh viên Trường ĐHBKHN có thể tìm hiểu và trao đổi với các nhà khoa học trên thế giới về các thông tin và giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực GNSS tại Việt Nam”.
Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 12, 2013) đã thu hút 200 nhà quản lý, nhà khoa học từ các cơ quan quản lý khai thác hệ thống GNSS, các tổ chức, các trường đại học, các viện nghiên cứu, và các công ty hoạt động trong lĩnh vực GNSS nói riêng và công nghệ hàng không - vũ trụ nói chung đến từ 15 nước trong khu vực Châu Á - Châu Đại dương và trên thế giới. Hội nghị gồm 54 báo cáo trực tiếp chủ yếu tập trung vào cập nhật tình hình phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh trên thế giới, trong bối cảnh bên cạnh hệ thống truyền thống GPS, các hệ thống mới như Galileo (EU), Bắc Đẩu (Trung Quốc), QZSS (Nhật Bản), IRNSS (Ấn Độ) cũng đã và đang được phát triển, hứa hẹn mang lại nhiều dịch vụ định vị mới với độ chính xác và độ tin cậy cao hơn hiện tại.