Cơ hội và thách thức để phát triển hiện đại ngành Đúc

Hơn 300 nhà khoa học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ba Lan, Slovakia và Việt Nam… tham dự Hội nghị Đúc Châu Á lần thứ 13 (AFC) với chủ đề “Đúc Châu Á – Cơ hội và thách thức để phát triển hiện đại ngành Đúc” do Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam phối hợp với Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 28-30/10/2015 tại Trường ĐHBK Hà Nội.


 

Hội nghị quy tụ gần 100 đại biểu quốc tế và hơn 200 đại biểu trong nước đến từ các trường ĐH chuyên ngành Đúc - Luyện kim, viện nghiên cứu, nhà sản xuất, doanh nghiệp, đại diện thương mại hàng đầu trong công nghiệp đúc, đại diện lãnh đạo Tạp chí Đúc - Luyện kim của Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ba Lan, Slovakia và Việt Nam cùng các nghiên cứu sinh và sinh viên chuyên ngành Luyện kim của các trường đại học.

Hội nghị có sự hiện diện của ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA), ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam; ông Hồ Nghĩa Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA); GS Đinh Văn Phong - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐHBK Hà Nội, PGS Đào Hồng Bách - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Vật liệu.


GS Đinh Văn Phong phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Chí Cường cho biết ngành Đúc có vai trò quan trọng trong ngành Cơ khí chế tạo, đồng thời là ngành công nghiệp hỗ trợ, một khâu trung gian kết nối giữa ngành Luyện kim và ngành Cơ khí chế tạo; từ đó hình thành các sản phẩm công nghiệp cung cấp cho xã hội. GS Đinh Văn Phong cũng nhấn mạnh: Trường ĐHBK Hà Nội luôn ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực ngành Đúc - Luyện kim và chú trọng đến các chiến lược phát triển công nghệ vật liệu trong 20 năm tới. 

Diễn ra trong 2 ngày, Hội nghị giới thiệu 61 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế về 6 chủ đề chuyên sâu quan trọng: Vật liệu tiên tiến, mô phỏng số và điều khiển công nghệ Đúc; Đúc gang; Đúc kim loại màu; Nhiệt luyện và xử lý bề mặt; Khuôn mẫu và vật liệu làm khuôn; các công nghệ đúc tiên tiến. Đặc biệt, 3 nhà khoa học nổi tiếng của ngành Đúc thế giới (GS Tibor Kvackaj – Tổng biên tập Tạp chí Acta Metallurgy Slovakia; GS Yoshiki Tsumekawa – Nguyên chủ tịch Hội đúc luyện kim Nhật Bản; GS Xiong Shou Mei – Phó Chủ tịch Hội Đúc Trung Quốc) đã trình bày 3 báo cáo chuyên đề lớn trong các lĩnh vực khoa học vật liệu tiên tiến và ứng dụng khoa học tính toán trong quá trình đúc.


Các nhà khoa học tham quan Triển lãm các sản phẩm và thành tựu ngành Đúc Việt Nam và quốc tế

Diễn đàn Hội nghị là cơ hội cho các nhà khoa học nổi tiếng, các nhà hoạt động nghiên cứu sản xuất trong ngành Đúc thế giới trình bày những thành quả mới đạt được về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thiết bị trong thời gian gần đây; đồng thời là dịp để trao đổi kinh nghiệm, gặp gỡ giao lưu với các nhà nghiên cứu trẻ tuổi của Việt Nam và các nước. Ngoài ra, Hội nghị còn bố trí các khu vực triển lãm các sản phẩm đúc và các thành tựu của một số doanh nghiệp đúc của Việt Nam và quốc tế.

Theo kế hoạch, các đại biểu sẽ tham quan hai nhà máy đúc tiêu biểu của Việt Nam là Công ty CP Bơm Hải Dương và Công ty TNHH Cơ khí Việt - Nhật ở Hải Phòng để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Asean Foundry Congress (AFC)là Hội nghị quốc tế lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đúc kim loại của thế giới, được tổ chức hai năm một lần tại các nước Châu Á và Châu Úc; trong đó Việt Nam đã tham gia tổ chức Đúc Châu Á từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Hội nghị AFC lần thứ 13 là Hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội sau 10 năm (Hội nghị AFC lần thứ 9 được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2005).

Cũng tại Hội nghị này, Việt Nam chính thức tổ chức Lễ bàn giao quyền đăng cai Hội nghị Đúc Châu Á lần thứ 14 tổ chức tại Hàn Quốc năm 2017 cho GS Hae Wook Kwon – Chủ tịch Hội Đúc Hàn Quốc đại diện tiếp nhận.

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi