Hội nghị khoa học quốc tế về Kỹ thuật hóa học 2015

Sáng ngày 30/11/2015, tại Hội trường Thư viện Tạ Quang Bửu đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế về kỹ thuật hóa học do Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường ĐH kỹ thuật Đông Nam Á (AUN/SEED-Net) thuộc Dự án JICA, nhằm thúc đẩy các hoạt động trao đổi nghiên cứu, hợp tác quốc tế giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học. Hội nghị kéo dài từ ngày 30/11 đến ngày 02/12/2015.
Với chủ đề “Sáng tạo kỹ thuật hoá học vì sự phát triển mạnh mẽ trong công nghiệp và xã hội của khu vực Asean”, Hội nghị kỹ thuật hoá học AUN/SEED-Net (RCChE) được tổ chức hàng năm của mạng lưới thành viên AUN/SEED-Net gồm 26 trường đại học từ 10 quốc gia thuộc khối ASEAN và 14 trường đại học hàng đầu Nhật Bản.
Phiên khai mạc Hội nghị diễn ra có sự hiện diện của ông Iwadate Hiroshi – Điều phối viên Dự án Chương trình phát triển các trường ĐH kỹ thuật Đông Nam Á (AUN/SEED-Net) thuộc dự án JICA; ông Đỗ Duy Phi – Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam; PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; PGS Huỳnh Đăng Chính – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học; đại diện các đơn vị Trường ĐHBK Hà Nội và hơn 200 nhà khoa học trong nước và quốc tế.

PGS Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị, PGS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Hội nghị RCChE 2015 là diễn đàn để các nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên của các trường ĐH thành viên trực thuộc mạng lưới AUN/SEED-Net chia sẻ những nghiên cứu, ý tưởng mới nhất trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học. Đồng thời, Hội thảo đánh dấu bước phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐHBK Hà Nội và AUN/SEED-Net. Hội nghị cũng khẳng định nhiệm vụ và định hướng phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đóng góp hiệu quả cho nền công nghiệp nước nhà”.

GS Hariharan Srikanth - Đại học Nam Florida
Trong phiên khai mạc đã có 5 báo cáo tổng quan của các nhà khoa học đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Rumani và 01 báo cáo của đại diện Nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Nét mới trong chương trình của Hội nghị khoa học quốc tế RCChE năm nay là sự lồng ghép của ba hội nghị: Hội nghị kỹ thuật hóa học AUN/SEED - Net lần thứ 8; Hội nghị Hóa học toàn quốc Việt Nam lần thứ 7 và Hội nghị Kỹ thuật công nghệ hóa học toàn quốc Việt Nam lần thứ 2. Đặc biệt, Diễn đàn liên kết trường đại học – doanh nghiệp cũng được tổ chức vào sáng 01/12. Tại Diễn đàn, nhà khoa học đại diện các trường đại học, doanh nghiệp cùng thảo luận những vấn đề cụ thể liên quan tới cơ hội hợp tác, liên kết tại Việt Nam. Dựa trên cơ sở kết quả thảo luận trực tiếp, các nhà khoa học sẽ tổng kết rút ra bài học kinh nghiệm để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo gắn kết với thực tiễn doanh nghiệp nhằm đáp ứng với xu thể hội nhập quốc tế; đồng thời áp dụng mô hình liên kết đổi mới sáng tạo vào thực tế, góp phần mở ra triển vọng hợp tác giữa trường đại học – doanh nghiệp trong tương lai.
Hội nghị gồm 5 phiên thảo luận với hơn 40 báo cáo khoa học, thuyết trình tập trung vào các nghiên cứu và ứng dụng mới nhất trong nước cũng như quốc tế thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật công nghệ hoá học; Hợp tác với công nghiệp trong kỹ thuật hoá học và chế biến khoáng sản; Xúc tác và hấp phụ; Nhiên liệu sinh học và năng lượng; Hoá học hữu cơ và hợp chất thiên nhiên; Ceramic, vật liệu tiên tiến & công nghệ Nano; Khoa học và vật liệu polyme; Kỹ thuật môi trường; Công nghệ sinh học và thực phẩm.

 

Cũng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị, chiều ngày 01/12/2015, các nhà khoa học đã có chuyến thăm quan dây chuyền mới lắp đặt tại Công ty TNHH MTV phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Bắc Giang). 
Trước đó, Hội thảo “Kỹ thuật công nghệ hóa học và môi trường hướng tới phát triển bền vững” đã được tổ chức tại Ninh Bình ngày 29/11/2015. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, cập nhật để áp dụng thành quả nghiên cứu khoa học tiên tiến giúp trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong dây chuyền sản xuất hóa chất, đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường