Sẵn sàng cho hành trình khởi nghiệp

Tối 18/12, tại Hội trường C2, Trường ĐHBK Hà Nội, cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo Việt - Đức 2015” đã diễn ra đầy màu sắc và ấn tượng. Cuộc thi nằm trong Dự án “Praxis partnership Program” do Đại học Leipzig (CHLB Đức) phối hợp với Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức.

Với tiêu chí: Giành giải thưởng hấp dẫn; Tích lũy kinh nghiệm; Xây dựng quan hệ, đêm Chung khảo cuộc thi có sự hiện diện của PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo; PGS Trần Trung Kiên - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, bà Lê Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ThS Nguyễn Thành Hưng – Tổng Thư ký Hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Viện, 5 đội thi cùng đông đảo sinh viên.



PGS Trần Văn Tớp phát biểu tại Cuộc thi

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2013 nhằm khuyến khích sinh viên, học viên hoàn thiện khả năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và nâng cao khả năng quản lý đối mới sáng tạo trong doanh nghiệp, đến nay, Cuộc thi đã trở thành một sân chơi thường niên đối với các bạn trẻ có niềm đam mê khởi nghiệp và ý tưởng kinh doanh có tính ứng dụng cao. Năm 2015, Cuộc thi thu hút sự tham dự của 52 ý tưởng đến từ các trường đại học, học viện trên cả nước. Trải qua vòng sơ loại, 20 ý tưởng lọt vào vòng 2 với nhiều ý tưởng sáng tạo, chất lượng thuộc nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, công nghệ thông tin…. và được đầu tư nghiêm túc. Năm đề tài suất xắc nhất đã được chọn để tiếp tục tham gia đêm Chung khảo.


 

Phát biểu tại đêm Chung khảo, PGS Trần Văn Tớp đánh giá cao Ban tổ chức cuộc thi đã tạo ra một sân chơi đầy ý nghĩa đối với các bạn trẻ Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng và các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp nói chung. PGS khẳng định: “Nhiều đội chơi trưởng thành từ Cuộc thi đã có những bước đi mới trên con đường xây dựng sự nghiệp, phát triển bản thân, nhiều bạn đã trở thành những CEO tài giỏi đầy tài năng. Đây chính là bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng tương lai của các bạn”.

Năm đội thi: Jarvis, Hachi, Izifund, We Move và RDA trong đêm Chung khảo đã thực sự nỗ lực, thi đấu hết mình, thể hiện đam mê và sáng tạo khởi nghiệp với 7 phút trình bày ý tưởng. Nếu Jarvis đưa ra giải pháp cho ý tưởng “Camera hành trình thông minh” sử dụng trên các phương tiện giao thông tại Việt Nam thì We Move lại mang đến một kênh thông tin vô cùng thú vị “Cung cấp dịch vụ dự báo tắc đường và thông tin giao thông bằng Smartphone”, một ứng dụng thông minh tiện dụng và khả năng ứng dụng thực tế cao….

 

Kết quả chung cuộc, Đội HACHI với các thành viên đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHBK Hà Nội đã dành giải Nhất với dự án “Giải pháp nông nghiệp thông minh HACHI”. Đây cũng là đội giành được giải bình chọn của khán giả. 

Kết quả chung cuộc
 
Giải thưởng
Đội thi
Tên dự án

 

Giải Nhất
HACHI (Viện SIE và Học viện Nông nghiệp Việt Nam)
Giải pháp Nông nghiệp Thông minh HACHI
Giải Nhì
IZIFUND (Chương trình cao học SEPT11, Viện SIE)
Xây dựng kênh huy động tài trợ Cộng đồng IZIFUND
Giải Ba
WEMOVE (Viện CNTT&TT, Viện SIE)
Cung cấp dịch vụ dự báo tắc đường và thông tin giao thông bằng Smartphone
JAVIS (Chương trình kỹ sư tài năng chất lượng cao K58 - ĐHBK Hà Nội và Học viện Ngân Hàng)
Camera hành trình thông minh
RDA (Viện cơ khí, Viện Ngoại Ngữ, Đại học Ngoại Thương)
Chế tạo và sản xuất máy sấy nông sản Mini
Giải bình chọn
HACHI
Giải pháp Nông nghiệp Thông minh HACHI