Tọa đàm phối hợp tổ chức và quản lý đào tạo các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế

Theo ý kiến của các giảng viên, đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung tâm, Viện đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội, những yêu cầu đặt ra để phối hợp tổ chức và quản lý đào tạo các chương trình hợp tác quốc tế đạt hiệu quả bao gồm những yếu tố: công tác quảng bá tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên; sự hợp tác giữa Viện Đào tạo Quốc tế (SIE) với các đơn vị trong Trường; công tác đảm bảo chất lượng, công tác sinh viên…

Ngày 29/10/2015, tại phòng 225 - D7 đã diễn ra “Tọa đàm phối hợp tổ chức và quản lý đào tạo các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế” do Viện SIE chủ trì. Mục tiêu chính của tọa đàm là tạo diễn đàn chia sẻ nhằm đưa ra những giải pháp để các Viện phối hợp tổ chức và quản lý đào tạo các chương trình đào tạo quốc tế (ĐTQT) tại Trường ĐHBK Hà Nội đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.


 

Tham dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của PGS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK; PGS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo Đại học; PGS Ngô Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện SIE; đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Viện đào tạo đang triển khai và liên quan tới các chương trình ĐTQT, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng, Phòng Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Việt Đức cùng các giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội.

Tại tọa đàm, nhiều báo cáo của các giảng viên tập trung vào công tác tổ chức và quản lý tại một số chương trình ĐTQT hiện đang triển khai tại Trường ĐHBK Hà Nội như: Mô hình hợp tác ĐTQT, công tác phối hợp, tổ chức và quản lý đào tạo; chương trình hợp tác đào tạo giữa Trường ĐHBK Hà Nội và Trường ĐH Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản); hợp tác đào tạo công nghệ thông tin với ĐH Grenoble INP và ĐH Victoria Wellington…

 

Theo đó, các đại biểu tham dự đã trao đổi và đưa ra các ý kiến góp ý về công tác đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại; chế độ chính sách, cách thức tổ chức quản lý, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên; đồng thời chia sẻ tính hiệu quả của các chương trình ĐTQT tại Trường ĐHBK Hà Nội. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, những chương trình này có nhiều triển vọng phát triển, bởi hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều có tỷ lệ việc làm cao và cơ hội rộng mở khi tuyển dụng vào các doanh nghiệp, tập đoàn uy tín trong và ngoài nước.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS Trần Văn Tớp đã ghi nhận những ý kiến góp ý hữu ích của các cán bộ, giảng viên Trường ĐHBK Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. PGS hi vọng quan hệ gắn kết và bền chặt giữa các đơn vị trong Trường trong việc phối hợp tổ chức quản lý các chương trình ĐTQT là tiền đề để tiếp tục triển khai, nâng cao đổi mới chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng với xu thế hội nhập hiện nay.