Thầy và trò Trường nội trú Ninh Bình: Rưng rưng ngày trở lại

Thầy và trò Trường nội trú Ninh Bình: Rưng rưng ngày trở lại
Chuyến trở về vùng Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, nhiều người rất vui , đã bao năm rồi không trở lại trường xưa, thăm lại nơi mình đã học hành trong lửa đạn, trui rèn ý chí cách mạng. Ở nơi đó, có những người dân vì cưu mang học sinh đã không tiếc mạng sống của mình
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, bồi hồi xúc động: “Ở làng quê Tân Tiến, nhiều má, chị, anh coi chúng tôi là ruột thịt. Ngày trở về cũng cách xa hơn 40 năm, nhiều người đã mất, nhưng tôi tin ở đó vẫn còn những người trông đợi”…

 thay.jpg
 Giáo dục Đầm Dơi giờ rất phát triển, khiến lòng những cựu học sinh Trường Ninh Bình thêm phấn khởi.
Học sinh khoá 2, Trường Ninh Bình khi đó là những con em của cán bộ, của thương binh, của liệt sĩ, là niềm hy vọng cho cách mạng của địa phương nói riêng và của cả đất nước nói chung. 

Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng Trường Ninh Bình năm xưa, nhớ lại: “Chúng tôi về đây, nhân dân là nhà, là quê hương, mảnh đất này là nơi chở che chúng tôi qua khói lửa chiến tranh, tạo điều kiện cho chúng tôi trau dồi kiến thức”. 

Với trợ cấp 15 kg gạo/học sinh/tháng, không có bà con thì làm sao có lửa củi, có cá, có canh. Đời sống trong lúc chiến tranh ác liệt, ai cũng nơm nớp đạn bom, vậy mà tất cả bà con vùng Tân Tiến đã bao bọc ngôi trường trong vành đai an toàn của “lòng dân”.
Địch bố ráp, tất cả những học sinh đều là con hợp pháp của bà con, giặc không cách nào khai thác được. Có khi thấy những nơi chúng nghi là trường, mà thật ra chỉ là những căn chòi dã chiến, chúng đốt. 

Thiếu tướng Trần Triều Dương ngậm ngùi: “Lúc đó có má hỏi, trường bị đốt, tụi bay học ở đâu?”. Vậy mà lớp vẫn học, có thầy giáo, có bà con ngã xuống, nhưng ngôi trường vẫn sừng sững giữa Tân Long, Tân Hoà, ấp 6 Bông Súng, ấp 9 Mặt Hậu. 

Ở đó, những mầm non cách mạng vẫn không ngừng phát triển, cứng cáp để có một ngày trả nghĩa quê hương.
Trong ngày gặp mặt, những giọt nước mắt đã rơi. Rơi để nhớ những người đã khuất. Bà con nuôi dưỡng những học sinh Ninh Bình ngày đó nhiều người đã khuất. Ai cũng hỏi thăm, ai cũng ráng nhắc lại nơi mình nương náu bởi quê hương Tân Tiến giờ đây đổi khác quá. 

Riêng bà con vùng Tân Tiến vẫn nhớ, bởi vì cha, chú, mẹ, chị vẫn nhắc nhớ những chuyện ngày xưa.
Ông Chín Hùng (Trương Thanh Hùng) tâm sự: “Anh em đi lâu lắm rồi, ngày trở về chúng tôi cũng không còn đầy đủ. Nhưng nhớ lắm”. Nhớ tụi học trò bẻ dừa, ăn trộm nước mưa, nhớ cả những đứa bị giặc bố ráp trốn ở “đìa cá trê” đau đớn nhưng không hề run sợ. 

Rồi anh em cũng lớn lên, Trường Ninh Bình tới giờ có 5 vị tướng, nhiều người đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Trong mỗi câu chuyện bao nhiêu là kỷ niệm cứ dâng đầy. Học sinh Trường Ninh Bình thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, cùng chia ngọt sẻ bùi với đồng bào vùng Tân Tiến. Có anh Việt lớp 6 ở nhà má Bảy Phát, ra trường tham gia quân giải phóng, chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Hay tin, má Bảy đau xót và lập bàn thờ để ngày đêm hương khói.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Tươi, quê ở Thới Bình, đến với nhân dân và học sinh nơi đây bằng cả nhiệt huyết, tấm lòng. Cô đã hy sinh và nằm lại ở đất này. Bà con trong niềm tiếc thương vô hạn đã góp bộ ván ngựa nhà mình làm tấm áo quan che chở cho cô về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Còn bao nhiêu câu chuyện cảm động khác về mái trường Ninh Bình, về những người dân nghèo vật chất nhưng giàu nghĩa nặng tình của quê hương Tân Tiến. Giữa khói lửa chiến tranh, giữa vùng quê nghèo xa xôi, tình cảm con người, tinh thần hiếu học vẫn bền bỉ, toả sáng.
Tân Tiến giờ đây nhiều ngôi trường mới đã mọc lên, con em đến trường trong tự do, áo ấm cơm no, có lẽ đó là điều mà những học sinh năm xưa cảm thấy yên lòng nhất. Trở về đây, trở về Tân Tiến, có bao giờ quên được mái trường Ninh Bình năm ấy./.