Hội thảo: “Đổi mới chương trình đào tạo ngành dệt may”

Sáng 12/2009, tại phòng 702- Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã phối hợp tổ chức buổi hội thảo: “Đổi mới chương trình đào tạo ngành dệt may”nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao của Ngành Dệt May Việt Nam.
Thành phần tham dự hội thảo về phía Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ông Lê Tiến Trường - Ủy viên HĐQT-Phó Tổng giám đốc cùng đại diện các Phòng, Ban chức năng của tập đoàn; Đại diện các Viện, Trường và lãnh đạo  một số  doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tại khu vực phía Bắc. Về phía trường ĐHBK  có: PGS.TS. Nguyễn Cảnh Lương-Phó Hiệu trưởng thường trực;  PGS.TS. Bùi Quốc Thái-Chủ tịch Công đoàn; TS. Lê Hữu Học, Bí thư đoàn; PGS.TS. Hoàng Minh Sơn-Trưởng phòng đào tạo; PGS.TS.Vũ Thị Hồng Khanh-Trưởng khoa Công nghệ  Dệt May Thời trang, các nhà khoa học, các thầy cô giáo là giảng viên của Khoa. Chủ tọa điều hành Hội thảo là PGS. Nguyễn Cảnh Lương (ĐHBK Hà Nội) và Ông Lê Tiến Trường (Vinatex).  
Trong khuôn khổ buổi hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu các chuyên đề: Chủ trương đổi mới đào tạo Đại học trong trường ĐHBK Hà Nội; Dự thảo chương trình đào tạo ngành Dệt May của khoa Công nghệ Dệt may & Thời trang tại ĐHBK Hà  Nội; Chiến lược phát triển ngành dệt may và nhu cầu về nguồn nhân lực; Đánh giá của các cơ sở Dệt may với sinh viên được đào tạo tại ĐHBK Hà Nội và các yêu cầu của doanh nghiệp; Sự phối hợp của các doanh nghiệp dệt may trong quá trình đào tạo sinh viên...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo của nhà trường để sản phẩm đào tạo đáp ứng tốt với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, sự cần thiết và vai trò quan trọng của các doanh nghiệp- những đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình đào tạo. Phó Hiệu trưởng cảm ơn tập đoàn Dệt may Việt nam (Vinatex) đã luôn quan tâm và hỗ trợ nhà trường trong trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía các doanh nghiệp cho việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo của ngành.
Phó Tổng giám đốc Lê Tiến Trường, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam  bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới  các thế hệ thầy giáo, cô giáo của Khoa Công nghệ  Dệt May Thời trang nói riêng và Trường ĐHBK nói chung, trong nhiều năm qua  đã đào tạo cho Ngành Dệt May Việt Nam hàng ngàn kỹ sư công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên. Hội thảo đã mở đường  cho sự hợp tác lâu dài giữa nhà trường và Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển Ngành Dệt May Việt Nam  đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, rất cần đến đội ngũ  kỹ sư chuyên ngành Sợi, Dệt, Nhuộm  và Thiết kế thời trang cả về số lượng và chất lượng. Mỗi năm ngành cần khoảng 1500 kỹ sư, cử nhân trẻ có năng lực để thay thế dần  lớp cán bộ cũ và đảm đương  công việc. Các trường trong ngành hiện nay chủ yếu đào tạo Cao đẳng và Trung cấp. Chất lượng đào tạo rất thấp, các thầy phải dạy nhiều nên không có thời gian đọc thêm tài liệu chuyên ngành để cập nhật thông tin. Thời gian đào tạo Kỹ sư tại các trường Đại học dường như quá dài và một số nội dung không cần thiết cho công việc thực tế. Đề nghị nhà trường nghiên cứu lại chương trình đào tạo đồng thời hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Vinatex để liên kết đào tạo…
Năm 2009, Ngành Dệt May Việt Nam  đạt KNXK khoảng 9,16 tỷ USD, trở thành ngành xuất khẩu dẫn đầu cả nước trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, Việt Nam là nước duy nhất  trên thế giới không bị sụt giảm về xuất khẩu hàng dệt may. Điều này chứng tỏ nội lực và sức cạnh tranh của Ngành Dệt May Việt Nam đã được khẳng định. Ngành Dệt May Việt Nam sẽ  duy trì và phát triển vài chục năm nữa.
Không thể so sánh lợi  nhuận với các ngành Dầu khí, Tài chính, Ngân hàng. Ngành dệt may không sử dụng tài nguyên của đất nước, không làm ảnh hưởng đến môi trường; Là ngành  giải quyết công ăn việc làm cho nhiều  lao động với chi phí đào tạo thấp hơn rất nhiều so với ngành khác. Ngành dệt may thu nhiều ngoại tệ về cho đất nước làm giảm cán cân thương mại về nhập siêu;  Góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước.
 
Ông Lê Tiến  Trường hoan nghênh chương trình đổi mới đào tạo của Trường ĐHBK và Khoa Công nghệ Dệt May Thời Trang. Nhà Trường và Khoa  nên xin ý kiến chương trình khung cho đào tạo và chuẩn đầu ra của Khoa và Trường. Cần xây dựng chi tiết  về nội  hàm cho từng môn học cho đào tạo cử nhân, kỹ sư,  thạc sỹ và sau đại học. Đào tạo phải theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; Tham khảo ý kiến doanh nghiệp để đổi mới và  xây  dựng chương trình từng môn học cho phù hợp. Cần phối hợp thật tốt với doanh nghiệp trong việc hướng dẫn  sinh viên thực tập  làm quen với công nghệ và thiết bị mới tại doanh nghiệp mà nhà trường không có…
Các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội, Công ty CP May Hưng Yên, trường Cao đẳng CN May TT Hà Nội, Viện Dệt may Việt Nam …với nhiều ý kiến đóng góp quan trọng và thẳng thắn đặc biệt là những điểm yếu trong đào tạo như:  Kỹ sư mới ra trường chỉ thiên về lý thuyết, ít thực tế, kỹ năng thiết kế trên máy tính còn yếu, Các kỹ năng thực hành nghề nghiệp kém, sử dụng kiến thức cơ bản, chuyên ngành trong hoạt động SX-KD yếu, các kiến thức về máy công nghệ, quản trị SX và quản trị chất lượng kém. Khả năng tổ chức hoạt động nhóm và khả năng giải quyết vấn đề còn rất lúng túng, sử dụng tiếng Anh kém v..vv. Đề nghị nhà trường xem xét lại nội dung giáo trình, tăng thời gian thực hành cho SV và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để khai thác thiết bị tiên tiến cho SV thực tập. Đào tạo sinh viên biết tổ chức sản xuất tối ưu: thiết bị, công nghệ, quản lý thao tác, quản lý lao động và tổ chức theo nhóm…Ông Lê Tiến Trường cũng khảng định : sinh viên thế hệ sau hơn thế hệ trước rất nhiều, tuy nhiên sự phát triển của KHCN quá nhanh mà việc đổi mới chương trình đào tạo còn chậm nên SV chưa bắt nhịp được.
Đại diện phòng ĐTĐH và lãnh đạo Khoa CN DM&TT trình bày phương án đổi mới về chương trình đào tạo nói chung, trong ngành DM nói riêng. Các nhà khoa học tham dự hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất một số giải pháp. Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, chỉnh lý trình lên Hội đồng khoa học đào tạo để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. Nguyễn Cảnh Lương đã ghi nhận và cảm ơn sự hợp tác của Vinatex  trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục gắn bó với Vinatex, cam kết đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may. Phó Hiệu trưởng khẳng định, nguồn nhân lực đầu vào cho Khoa Công nghệ Dệt May Thời Trang là rất lớn, đây là nguồn đầu vào có chất lượng khá vì các em đã tốt nghiệp  các trường của Tập đoàn. Khoa cần phải tiếp cận và làm việc với các trường của Tập đoàn  về chương trình đã dạy, để đề xuất xây dựng chương trình đào tạo cấp cao hơn. Nhà trường ủng hộ và tạo mọi điều kiện để Khoa nâng cao chất lượng đào tạo. PGS. Cũng giao nhiệm vụ cho Khoa Công nghệ Dệt May Thời Trang cùng với  Khoa Đại học tại chức  nghiên cứu  cải tiến chương trình đào tạo cán bộ ngành dệt may để đào tạo lại đội ngũ  cán bộ hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp nhằm  nâng cao trình độ và cập nhật những kiến thức về khoa học kỹ thuật công nghệ mới.