Giáo viên có biện pháp gì trong tay để xử lí học sinh hư
Đăng lúc: Chủ nhật - 15/11/2015 01:33 - Người đăng bài viết: admin Một lần nữa xin nhắc lại, bài viết này chỉ nói về trẻ hư và giáo dục trẻ hư.
Tôi là một người còn trẻ tuổi và không phải là một nhà giáo. Tuy tôi đã từng đứng trên bục giảng của trường đại học nhưng chưa bao giờ tôi thực sự là một người làm nghề dạy học. Tuy vậy, bà tôi và mẹ tôi đều là giáo viên. Tôi còn có hai người cô, một người chú làm nghề dạy học; một người bác làm trong lĩnh vực giáo dục. Tôi cũng đã thấy được rằng tất cả những người thân này của tôi đều là những giáo viên được kính trọng, được quý mến. Hay ít ra là tôi chưa bao giờ thấy học trò hay phụ huynh của học trò trách móc người thân tôi. Nhưng cũng chính những người thân này của tôi, trong những lần đàm đạo với những nhà giáo khác, than thở rằng: Học trò bây giờ không 'dạy' nổi nữa.
Tôi thực sự muốn hỏi bạn đọc VnExpress rằng: Nhà giáo hiện nay nhận được gì? Có quyền gì? Có chức năng gì?
Tôi xin trả lời theo những gì tôi biết:
Nhà giáo hiện nay nhận được đồng lương ít ỏi, nhận được sự ủy thác một cách vô trách nhiệm của nhiều bậc phụ huynh, nhận được sự chỉ trích của xã hội khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra và nhận được những đứa trẻ được bao bọc quá mức bởi cha mẹ. Họ không có quyền gì ngoài hạ hạnh kiểm và trình bày vấn đề lên ban giám hiệu. Họ có chức năng bơm kiến thức khô khan vào đầu học trò để các em có thể lên lớp và ra trường.
Hình ảnh nhà giáo như vậy có thể khác với những gì các bạn tưởng tượng ra theo khuôn mẫu của một nhà giáo lý tưởng. Nhưng đó là hình ảnh thực sự của đa phần nhà giáo hiện nay. Chuyện lương giáo viên thì ta không cần dẫn chứng gì nhiều. Nó quá rõ ràng và nó hiển hiện ngay trước mắt chúng ta; không ai có thể phủ nhận. Tất nhiên, tiền dạy thêm, tiền làm ngoài giờ có thể khiến thu nhập của họ khá hơn rất nhiều. Thế nhưng "dạy thêm" tức là làm ngoài giờ, tức là ngoài những giờ làm việc chính thức họ phải bỏ thời gian đáng nhẽ dành để nghỉ ngơi ra để mà kiếm thêm nhu nhập. Có ai trong chúng ta muốn làm việc tới 8-10 giờ tối trong khi giờ tan sở là 5 giờ?
Hãy tiếp tục nói về sự ủy thác. Có bao nhiêu bậc phụ huynh ngồi lại cùng giáo viên để bàn bạc cách dạy dỗ con mình? Có bao nhiêu bậc phụ huynh khi nhận ra khuyết điểm của con mình tìm đến giáo viên để cùng tìm đường lối uốn nắn? Hay đa phần các bậc phụ huynh chỉ đem một cái phong bì đến và "trăm sự nhờ cô"? Không biết đã bao nhiêu lần tôi đã thấy mẹ mình khước từ những phong bì như thế. Và cũng chừng ấy lần tôi thấy mẹ tôi mời những vị phụ huynh này ngồi lại để mẹ tôi có thể gợi ý một vài phương thức để họ động viên, dạy dỗ con mình. Có những người chăm chú lắng nghe, có những người rõ ràng là chỉ giả vờ nghe và vô cùng hiếm khi có người chủ động đưa ra ý kiến. Rồi, cứ như lẽ dĩ nhiên, họ lại quay lại học kỳ sau với một kịch bản tương tự. Cái tôi tự hỏi là: Có bao nhiêu trong số những người phụ huynh này thực sự tìm tòi, động não để tìm ra một cách hiệu quả dạy dỗ con em mình? Hay rốt cuộc, họ chỉ quay về với phương thức ít phiền toái nhất: Quát mắng khi con không đạt chỉ tiêu và thưởng hậu hĩnh khi con đạt thành tích.
Sự chỉ trích của xã hội lên giáo viên bắt nguồn từ lăng kính của các ông bố bà mẹ có con em chưa ngoan. Qua lăng kính của họ giáo viên trở thành những người thích tiền, khắt khe, không bao dung, thiếu độ lượng nếu những người giáo viên này có thái độ "quá" nghiêm khắc với con của họ. Ngoại trừ những trường hợp đứa trẻ tỏ ra quá hư tới mức không ai phủ nhận được, các ông bố bà mẹ luôn cảm thấy khó chịu nếu người khác chỉ trích con mình một cách thẳng thừng. Những người giáo viên trẻ muốn có được sự hợp tác của các bậc phụ huynh thường phải tìm những câu từ mang tính giảm nhẹ để nói về sai phạm của học sinh. Những người giáo viên đã già cỗi hay cứng cỏi hơn tuy có thể sẵn sàng viết rõ nhưng đa số trường hợp chỉ nhận được sự "bằng mặt, không bằng lòng" hay đơn giản chỉ là những cái phong bì. Và từ đó cái hình ảnh truyền miệng về giáo viên của đa phần phụ huynh có con em đang trên đà đi xuống trở nên méo mó. Và khi hình ảnh ấy đã hằn vào tâm trí của họ thì khi có vấn đề gì xảy ra, dĩ nhiên trách nhiệm có phần lớn được xem là... không thuộc bản thân họ.
Giờ ta hãy nói về vấn đề nhức nhối nhất đối với giáo viên: Vấn đề quyền hạn. Có bao nhiêu trong số các bạn đọc VnExpress biết rằng: Giáo viên hiện nay còn không có cả quyền đuổi học sinh ra khỏi lớp. Đừng nói là phạt đòn học sinh, quát mắng chúng cũng là việc mà giáo viên phải suy nghĩ rất kỹ trước khi làm. Tất nhiên giáo viên ở những vùng kém phát triển có thể không thực sự tuân thủ điều này. Nhưng ở các thành phố lớn, giáo viên không có bất kỳ quyền hạn trừng phạt nào lên học sinh ngoài "hạ hạnh kiểm". Nhưng hạnh kiểm thì có gì quan trọng đâu. Học sinh chỉ cần hạnh kiểm trung bình để lên lớp. Còn chuyện chuyển tiếp lên cấp cao hơn thì do học lực quyết định. Học trò đang dần hiểu ra là hạnh kiểm chỉ là một thứ mang tính hình thức. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể dưới đây, một trường hợp điển hình, một câu chuyện có thật:
Một học sinh A gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới những bạn xung quanh. Giáo viên đang dạy tiết học bảo học sinh này đứng dậy nhưng A không đứng. Câu trả lời của cậu ta là: "Tại sao em phải đứng?". Giáo viên nói: "Em gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới các bạn, cô yêu cầu em đứng dậy.". A trả lời: "Em không thích đứng".
Xin hỏi quý độc giả: Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? Hãy giữ câu trả lời cho riêng mình. Còn tôi, tôi sẽ kể tiếp câu chuyện này cho các bạn nghe.
Giáo viên nói: "Đây là kỷ luật của lớp. Em đứng dậy cho cô". A ngồi yên không nhúc nhích. Giáo viên tiếp tục: "Thôi được thế em cứ ngồi đấy, nhưng không được gây mất trật tự nữa". A nói lại: "Em không thích ngồi. Cũng không thích giữ trật tự". (Một lần nữa xin hỏi: Bạn sẽ làm gì?) Đến đây người giáo viên này không thể từ tốn được nữa, cô nói: "Anh có bị điên không?". A: "Cô mới điên. Em không điên". Tới lúc này rồi thì người giáo viên không thể làm gì được nữa. Cô tuyên bố ghi tên A vào sổ đầu bài và sẽ đưa việc này ra buổi họp phụ huynh. Còn A, cậu ta không bao giờ trở nên tiến bộ hơn.
Hiện nay giáo viên vẫn bảo nhau học trò là bất trị. Họ quyết định đến với những phương thức ... vô trách nhiệm hơn. Họ mặc kệ học trò hư. Chúng vi phạm nội quy - họ hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh. Chúng tiếp tục vi phạm - họ hạ hạnh kiểm, cảnh cáo toàn trường. Chúng vẫn tiếp tục - họ đưa lên hiệu trưởng, cảnh cáo lần cuối. Và nếu chúng không thay đổi - trường đuổi học. Tương lai của đứa trẻ đó sẽ ra sao chẳng liên quan gì tới họ nữa. Bạn nghĩ tương lai chúng sẽ ra sao? Những đứa trẻ mà đến trường học cũng không chứa chấp nữa sẽ trưởng thành như thế nào? Nhưng liệu giáo viên còn có lựa chọn nào khác?
Tôi xin hỏi quý độc giả thêm một câu nữa, đặc biệt là những độc giả đang có con ở tuổi đi học: Liệu bạn có thể ngẩng cao đầu tuyên bố rằng: bạn có thể dạy bảo con mình khi không sử dụng đòn roi, không dọa cắt tiền tiêu, không dọa cắt một số quyền lợi của chúng? Và bây giờ hãy nghĩ xem cái bạn đang đòi hỏi ở giáo viên là gì. Dạy bảo một lớp hơn 40 học sinh mà không có quyền phạt, quyền mắng thậm chí không có quyền đuổi ra khỏi lớp? Trẻ hư bắt chép phạt. Chúng không chép bạn sẽ làm gì? Chúng chép và vẫn tái phạm bạn sẽ làm gì? Mời phụ huynh đến liệu có giải quyết được vấn đề hay lại là "trăm sự nhờ cô"? Ở cái thời của tôi, hạ hạnh kiểm là thứ gì đó rất kinh khủng. Một đứa trẻ bị hạ hạnh kiểm cảm thấy thật là đáng xấu hổ. Lý do vì sao? Tôi cho rằng có những sự khác biệt rất lớn giữa: "Bị hạnh kiểm kém là một việc đáng xấu hổ" với "Bị hạnh kiểm kém là cha mẹ la mắng". Những đứa trẻ thời nay chỉ biết rằng: "Không thể hiện tốt ở trường lớp (cho dù là học lực hay hạnh kiểm) là không vừa lòng bố mẹ". Chúng hoàn toàn không hiểu rằng: "Không cố gắng ở trường lớp thì tương lai của mình sẽ hoàn toàn khác với những gì mình mong muốn hay mơ ước."
Mâu thuẫn là ở chỗ: 'Vì bạn quá thương con không thể khắt khe với chúng nên bạn mới nhờ tới thầy cô để răn đe. Nhưng khi họ răn đe thì cũng vì quá thương con bạn lại cảm thấy khó chịu với họ'.
Chức năng của nhà giáo không phải là làm cho con bạn lên lớp, không phải là làm cho con bạn được điểm cao, không phải là làm cho chúng vào được trường điểm lại càng không phải là chịu trách nhiệm cho cái hư của trẻ. Chức năng của nhà giáo là hướng con bạn tới những phẩm chất tốt và khơi dậy những tiềm năng của chúng. Còn việc học, việc vươn tới tương lai, việc trở thành những con người có ích cho xã hội là việc của bản thân bọn trẻ. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ trở thành người thành đạt. Chúng ta chỉ có thể làm cho chúng thấy "trở thành người thành đạt là một việc tuyệt vời và con có thể làm được điều đó". Những việc sau đó đứa trẻ sẽ có thể tự làm được. Các bạn đừng cho rằng trẻ con ngờ nghệch. Chúng rất thông minh và nhạy bén. Nếu bạn làm cho chúng thấy thích thú với tương lai, chúng sẽ tự chạy về phía đó với tất cả sức lực chúng có. Khi đó bạn không cần phải "dạy" chúng, thậm chí bạn còn không theo kịp chúng nữa. Còn nếu bạn chỉ vẽ ra một tương lai đẹp đẽ nhưng không hợp với bản thân đứa trẻ thì có cố "gò" đến mấy cũng không đến được đâu. Cuối cùng chỉ ra được một sản phẩm nửa vời không cao không thấp. Hãy cho trẻ em những ước mơ, hãy tôn trọng những ước mơ đó (cho dù chúng viển vông tới đâu) và bạn sẽ thấy chúng mạnh mẽ đến mức nào. Bạn cần hiểu rằng: ước mơ của một đứa trẻ sẽ trưởng thành theo con người của nó. Chỉ cần đứa trẻ biết tập trung sức lực vào ước mơ của mình thì khi lớn hơn chúng sẽ tự biết thay đổi mục tiêu hay sửa đổi ước mơ đó để nó thực tế hơn. Bạn không cần phải nói: "Ước mơ đó là ngớ ngẩn" bởi vì khi lớn dần đứa trẻ sẽ tự hiểu điều này.
Tôi thiết nghĩ, thời kì quan trọng nhất trong hình thành ý thức học tập và ý thức xã hội của trẻ là trước khi dậy thì. Chúng cần một nền tảng vững chắc về các quan điểm giá trị. Những quan điểm mà có thể khi đó chúng chưa hiểu nhưng tương lai chúng sẽ hiểu. Và để chúng có được nền tảng đó, một chút hình phạt không phải là việc không chấp nhận được. Một cái vụt bằng thước kẻ vào tay sẽ khiến chúng nhớ lâu hơn là một vài trang chép phạt.
Tôi không ủng hộ việc làm của một cô giáo gần đây. Thậm chí tôi thấy hành động này là phản giáo dục. Phạt học trò phải có cách và phải tinh tế. Việc làm của cô là hoàn toàn sai. Một, hai cái vụt vào tay không khiến cho trẻ cảm thấy bị nhục mạ. Nhưng bắt chúng nằm lên bàn và thẳng cách quật bằng cán chổi là việc hoàn toàn khác. Tôi ủng hộ việc phạt đòn nhưng phải phạt với lương tâm và tình thương của một nhà giáo.
Tôi chưa có con, còn chưa lập gia đình. Nhưng tương lai, tôi sẽ không cố gắng mà tôi chắc chắn sẽ dành thời gian để quan sát con của mình, dành thời gian để tìm hiểu thế mạnh của nó và dành thời gian vắt óc suy nghĩ cách để hướng con mình vào tương lai. Và chắc chắn tôi sẽ ngồi lại với giáo viên của con tôi để làm việc này khi cần. Cho dù tôi có phải bận bịu đến mấy với cơm áo gạo tiền.
Những tin mới hơn
- Nhiều điểm mới trong tuyển sinh vào trường khối CAND năm 2012 (15/11/2015)
- Sáu bước để chọn ngành nghề phù hợp (15/11/2015)
- Nhiều điểm lợi cho thí sinh (15/11/2015)
- Năm 2012 sẽ thi Đại học - Cao đẳng theo hướng nào? (15/11/2015)
- Tuyển sinh 2012 có thể không còn NV2, NV3 (15/11/2015)
- Nhà giáo nghỉ hưu vẫn được xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT (15/11/2015)
- Đại Hội Công Đoàn Và Hội Nghị Cán Bộ Công Chức - Viên Chức Năm 2012-2013 (15/11/2015)
- Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra không báo trước (15/11/2015)
- Phát biểu của cựu học sinh (15/11/2015)
- Ngoại Khóa Tìm Hiểu Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 (15/11/2015)
Những tin cũ hơn
- Đại Hội Đoàn Trường Nhiệm Kỳ 2012-2013 (15/11/2015)
- Khai Mạc Giải Bóng Chuyền Nam Chào Mừng Ngày 20/11. (15/11/2015)
- Lễ Kết Nạp Đảng Viên Mới (15/11/2015)
- Thông báo 4 đội bóng chuyền được vào vòng III (15/11/2015)
- Ngoại Khóa Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 (15/11/2015)
- Đội Văn Nghệ Trường Tham Gia Thi Tiếng Hát Dân Ca Năm 2012 (15/11/2015)
- Ngoại Khóa Tìm Hiểu Luật Giao Thông Đường Bộ (15/11/2015)
- THI THIẾT KẾ BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ CUẢ TỔ NGOẠI NGỮ (15/11/2015)
- Lễ Kết Nạp Đảng Viên Mới (14/11/2015)
- Ngoại Khóa Kỷ Niệm 30 Năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 (04/11/2015)
Thông cáo báo chí
- Hơn 500 tân Thạc sĩ khóa 2012, 2013 nhận bằng tốt nghiệp
- Lễ kỷ niệm 55 năm đào tạo ngành Nhiệt – Lạnh và 15 năm thành lập Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh (10/10/1960 - 10/10/2015)
- Lễ ra mắt Mạng lưới Cựu sinh viên ĐHBK Hà Nội
- Khai giảng khóa 11 Chương trình SEPT-MBA tại Hà Nội
- Thúc đẩy KH&CN vì sự phát triển bền vững của ngành Nhiệt – Lạnh
Hoạt động trường
- Đoàn đại biểu Ấn Độ sang thăm và trao đổi kinh nghiệm công tác giảng dạy chương trình khởi sự doanh nghiệp SIYB
- KHÓA ĐÀO TẠO ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG TÌM KIẾM VIỆC LÀM VÀ KHỞI NGHIỆP
- Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội tổ chức nghi lễ chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca và kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9
- KHAI GIẢNG LỚP BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM DẠY NGHỀ
- Tiếp đoàn trường Đại học Keio, Nhật Bản
Tin nội bộ
- Trải nghiệm thực tế tại công ty Canon - Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội
- Hội thảo “Thực tế triển khai hoạt động lồng ghép bình đẳng giới trong các quy định đối với cán bộ, giáo viên trường nghề - khó khăn và giải pháp"
- Công đoàn trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tham gia Hội khỏe công nhân viên chức quận Đống Đa 2015
- Ngày hội Tôi yêu Tổ quốc tôi
- Chương trình Mùa đông ấm 2015
Sự kiện trường
- LỄ BẾ GIẢNG VÀ TRAO BẰNG TỐT NGHIỆP HỆ CAO ĐẲNG NGHỀ (KHÓA 36) VÀ HỆ TRUNG CẤP NGHỀ (KHÓA 37)
- Một số hình ảnh về Hội giảng giáo viên dạy nghề Quốc gia tại Đà Nẵng
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thức làm việc với Sở Y tế
- Tập huấn kiến thức và kỹ năng truyền thông phòng chống HIV/AIDS
- Ngày hội nhân ái vì sức khỏe cộng đồng
Tin mới
- Tại sao phải sử dụng dịch vụ viết bài SEO?
- Đoàn đại biểu trường Đại học AKITA(Nhật Bản) do Giáo sư Noboru Yoshimura - Hiệu trưởng dẫn đầ
- Đảng uỷ trường ĐHBK Hà Nội đã tổ chức cho toàn thể Đảng viên
- công ty Vinacotrol và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã ký kết các văn bản hợp tác,
- Lễ trao học bổng của Công ty Fujitsu và Hãng Bảo hiểm nhân thọ Ace Life
Quảng cáo
Danh Ngôn Cuộc Sống
Thống kê truy cập
- Đang truy cập: 153
- Hôm nay: 42971
- Tháng hiện tại: 810212
- Tổng lượt truy cập: 24409086
Ý kiến bạn đọc