Mong muốn gắn bó lâu dài với trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN

Đăng lúc: Thứ ba - 09/02/2016 20:30 - Người đăng bài viết: admin
Tiến sỹ Seung Chul Jung, quốc tịch Hàn Quốc, tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển, tại đại học POSTECH. Hiện nay, Tiến sỹ Seung Chul Jung và gia đình đang sinh sống và công tác tại Việt Nam. Bản thân TS. Seung Chul Jung đang là thành viên của chương trình
Tiến sỹ Seung Chul Jung, quốc tịch Hàn Quốc, tốt nghiệp chuyên ngành điều khiển, tại đại học POSTECH. Hiện nay, Tiến sỹ Seung Chul Jung và gia đình đang sinh sống và công tác tại Việt Nam. Bản thân TS. Seung Chul Jung đang là thành viên của chương trình ‘Techno Peace Corp” (TPC) và đang nghiên cứu giảng dạy tại khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Khi nói đến Trường ĐHCN, anh đều thể hiện bằng những tình cảm thân thương và trìu mến nhất.
Thật may mắn, với tư cách là phóng viên của trường tôi đã có dịp được nói chuyện với TS. Seung Chul Jung và “giải mã” được phần nào tình cảm đặc biệt của anh dành cho Nhà trường.
 
Thưa Tiến sỹ, anh đã biết đến trường Đại học Công nghệ và tham gia công tác từ năm nào?
Từ năm 2006, Bộ Khoa học Công nghệ Hàn Quốc (KHCN HQ) đã bắt đầu một chương trình hợp tác quốc tế ở mọi lĩnh vực khoa học công nghệ với nhiều nước trên thế giới, với tên gọi ‘Techno Peace Corp (TPC). Lúc đó, tôi đang làm việc ở Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), tôi đã có cơ hội thăm trường ĐHCN trong quá trình hợp tác giữa trường ĐHCN và KITECH. Qua tìm hiểu về chương trình và kế hoạch đào tạo của trường, tôi thấy các thầy, trò của Nhà trường có nhiều ý tưởng, hoài bãi trong việc nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về công nghệ, đặc biệt là phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đến năm 2007, tôi quyết tâm tham gia và trở thành một thành viên của chương trình TPC ở trường ĐHCN. Với những kiến thức thức, kinh nghiệm và khả năng của bản thân, tôi thấy cần phải có nghĩa vụ hỗ trợ cho thầy trò của một đất nước chịu thiệt thòi do chiến tranh nhưng lại rất ham học hỏi và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước thay đổi hàng ngày.
Vậy là theo thỏa thuận giữa trường ĐHCN và KICOS (thuộc Bộ KHCN HQ), tôi bắt đầu hoạt động chương trình này ở Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa của trường ĐHCN từ tháng 9/2007. Cho đến nay, tôi đã hợp tác với trường được hơn 4 năm với hai giai đoạn từ tháng 9/2007-11/2009 và từ 9/2012 đến nay.
 
Được biết, để thuận lợi cho công việc tại Trường, anh đã đưa gia đình sang sinh sống tại Việt Nam. Vậy những ngày đầu, gia đình anh đã gặp những khó khăn như thế nào?
Gia đình tôi đã sang và sinh sống ở Việt Nam vào năm 2004 đến nay. Lúc đó, hai con của tôi mới tầm 2-3 tuổi và bây giờ chúng đều đang đi học tại trường quốc tế Hàn Quốc Hà Nội. Vì đã sống lâu ở Hà Nội nên cả gia đình đều cảm thấy hạnh phúc và quen dần với phong cách sống ở Việt Nam. Tuy nhiên, những ngày đầu gia đình tôi cũng gặp một số khó khăn như không quen khí hậu, thức ăn, và đặc biệt là ngôn ngữ. Nhưng được sự giúp đỡ của bố mẹ bạn bè ở Việt Nam, hàng xóm xung quanh đã giúp gia đình tôi thích ứng nhanh với môi trường và coi như con cháu trong nhà để làm quen với điều kiện sống ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các điều kiện hỗ trợ của trường ĐHCN và tình cảm của đồng nghiệp cũng giúp tôi vượt qua khó khăn những ngày đầu tiên. Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là môi trường làm việc phải hòa đồng, thân thiện, văn minh và lịch sự giữa những giảng viên Việt Nam với giảng viên nước ngoài, mà những điều kiện này trường ĐHCN đều có đủ. Vì vậy, hiện tại tôi cảm thầy hài lòng với môi trường giảng dạy ở trường ĐHCN. Và nếu có điều kiện tôi hy vọng được hợp tác, giảng dạy và làm việc lâu dài ở trường.
 
Hơn 4 năm công tác,“tài sản” lớn nhất Tiến sỹ  nhận được từ những cán bộ, đồng nghiệp và sinh viên của trường ĐHCN là gì?
Trong khoảng thời gian làm việc tại trường, “tài sản” lớn nhất mà tôi nhận được là quen biết thêm nhiều đồng nghiệp và sinh viên Việt Nam. Tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc vì được làm việc với họ. Đặc biệt, tôi sẽ không quên được những sinh viên do mình giảng dạy và khoảng thời gian tôi trực tiếp hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Tuy tôi là người nước ngoài nhưng cán bộ, sinh viên lại coi tôi như một người Việt Nam và đối xử bằng tình cảm chân thành, sự tin tưởng lẫn nhau. Điều đó làm tôi thấy mình càng muốn gắn bó hơn nữa với trường ĐHCN. Hơn ai hết, khi nghe tin Nhà trường có thể hợp tác với các đối tác Hàn Quốc như DMS, Compass… và khoảng 30 sinh viên vào SEV năm 2013 tôi đều thấy vui mừng vì mình đã góp một phần công sức vào những thành tích của Nhà trường trong những năm vừa qua. 
 
Tiến sỹ có thể nói gì thêm với thầy cô và sinh viên Trường Đại học Công nghệ khi nhà trường đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập trường và 15 năm ngày truyền thống?
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trường, lời đầu tiên tôi xin được chúc mừng 10 năm thành công cùng sự đóng góp công sức của tất cả cán bộ, giảng viên trong toàn trường. Điều thứ hai, tôi muốn chia sẻ về trường Đại học POSTECH- là ngôi trường tôi đã học 13 năm từ quá trình đại học đến khi trở thành tiến sỹ. Hằng năm, nhà trường tuyển hơn 300 sinh viên và 550 học viên cao học, nghiên cứu sinh nhưng hiện nay POSTECH được đánh giá là một trong ba trường ĐH tốt nhất trong lĩnh vực Khoa học công nghệ ở Hàn Quốc. Mặc dù, số sinh viên chỉ bằng 1/10 của hầu hết trường ĐH khác ở Hàn Quốc nhưng chất lượng đào tạo, lực lượng nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu xã hội và nhà nước lại rất nhiều. Qua câu chuyện này, tôi hy vọng trường ĐHCN sẽ trở thành một trường ĐH ở Việt Nam giống như POSTECH đã làm ở Hàn Quốc và xa hơn như CALTECH của Hoa Kỳ. Sau này vào những ngày kỷ niệm thành lập trường, khi nhớ lại chặng đường 10 năm của trường với những thành công đã trải qua, tôi hy vọng rằng 10 năm sau, trường ĐHCN sẽ trở thành trường ĐH tốt nhất ở Việt Nam và là một trong những trường ĐH tốt nhất trên thế giới ở lĩnh vực khoa học công nghệ.
Xin cảm ơn Tiến sỹ về cuộc trò chuyện này. Xin chúc Tiến sỹ và gia đình có nhiều sức khỏe, những ngày ở Việt Nam đầy ắp kỷ niệm và gắn bó hơn nữa với trường Đại học Công nghệ.
Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2014
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thông cáo báo chí

Hoạt động trường

Tin nội bộ

Sự kiện trường
Quảng cáo





Danh Ngôn Cuộc Sống

Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 132
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 25417
  • Tháng hiện tại: 778420
  • Tổng lượt truy cập: 24377294

HIỂN THỊ BÌNH CHỌN

Bạn biết gì về NukeViet 3?

Một bộ sourcecode cho web hoàn toàn mới.

Mã nguồn mở, sử dụng miễn phí.

Sử dụng xHTML, CSS và hỗ trợ Ajax

Tất cả các ý kiến trên