GIÁO DỤC CÀ MAU TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Đăng lúc: Thứ hai - 16/11/2015 10:54 - Người đăng bài viết: admin
Cà Mau là vùng đất được khai phá muộn màn nhất so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ nơi hoang vu, rừng rậm bịt bùng lau sậy, bùn lầy, nước đọng đã được những người dân lam lũ, nghèo nàn của các dân tộc Việt, Hoa, Khmer lần lược đến định cư và khai phá, khoảng từ thế kỷ XVI-XVII. Những dấu vết hoặc ghi chép về nền giáo dục nho học phong kiến, giáo dục thời Pháp thuộc ở Cà Mau cũng rất ít và ngay trong dân gian Cà Mau việc lưu truyền các trường, lớp; những nhà nho, những thầy đồ, những kẻ sĩ nổi tiếng vào thời kỳ này hầu như rất hiếm. Do vậy tình hình giáo dục và dân trí, hết sức thấp kém so với những nơi khác
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, đại đa số dân Bạc Liêu - Cà Mau đều mù chữ. Công việc đầu tiên của chính quyền cách mạng là động viên nhân dân, tăng cường tuyên truyền, tập hợp quần chúng tiến hành cùng lúc ba việc lớn: chống đói, chống dốt và chống giặc ngoại xâm.
Do đặc thù của Cà Mau - Bạc Liêu nên việc hình thành bộ máy giáo dục kháng chiến cũng có nhiều nét khác biệt so với những nơi khác.
Từ năm 1947, ở tỉnh đã thành lập được Ty Giáo dục với bộ máy rất đơn sơ và thiếu thốn chỉ có một trưởng Ty phụ trách chung là ông Hồ Thế Thương, phó Ty phụ trách bình dân học vụ và bổ túc văn hóa là ông Nguyễn Tạo; giúp việc cho phó Ty là một số ít ủy viên. Ở các huyện chỉ có một cán bộ giáo dục được coi là kiểm soát viên. Xuống đến xã thì mỗi xã có từ một đến hai ủy viên Ban giáo dục xã nằm trong Ban Tuyên huấn.
Từ đầu năm 1948, do giặc Pháp đánh chiếm rộng khắp Nam Bộ nên Sở Giáo dục Nam bộ di dời về Cà Mau và đặt trụ sở tại Thới Bình. Đây là cơ hội tốt để giáo dục Cà Mau có điều kiện xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Do các trường sư phạm của Sở Giáo dục Nam Bộ mở tại Cà Mau nên số học sinh Cà Mau theo học sư phạm ngày càng nhiều tạo điều kiện cho việc mở mang trường lớp ở địa phương.
Cuối năm 1948, ở Cà Mau không còn ấp nào không có lớp học. Phong trào giáo dục phát triển mạnh mẽ và đều khắp. Hệ thống giáo dục tiểu học được xây dựng và quản lý chặt chẽ. Công tác bình dân học vụ chống dốt và bổ túc văn hóa được duy trì ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy lúc này chưa có phong trào xã hội hóa giáo dục song không khí học tập văn hóa, đào tạo con người mới trở thành hoạt động tự giác trong tất cả mọi tầng lớp nhân dân.
Phát huy thắng lợi của hoạt động giáo dục cách mạng, tiến thêm một bước, Ty giáo dục xây dựng trường tiểu học nội trú cho hàng trăm học sinh con em gia đình có công với Cách mạng, con nông dân nghèo. Bên cạnh trường tiểu học nội trú, Ty giáo dục còn mở các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ các cơ quan ban ngành và kết hợp với trường chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng văn hóa, chính trị cho cán bộ, chiến sĩ của tỉnh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vùng đất Cà Mau trở thành căn cứ địa Cách mạng của Nam Bộ; các ban ngành của Trung ương Cục đều dời về căn cứ địa U Minh. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy, của Sở Giáo dục, Cà Mau là nơi tập trung nhân lực, tài lực, vật lực để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc kháng chiến. Các trường tiểu học, trung học do Sở Giáo dục và Ty Giáo dục mở ra, các trường quân sự, trường thiếu sinh quân do quân đội tổ chức; các trường chính trị, trường văn hóa do Ban Tuyên Văn - Giáo - Huấn mở đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ với nhiều trình độ khác nhau cho cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Nam bộ.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, công việc chống dốt cũng  đã thực sự trở thành cao trào Cách mạng trong quần chúng. Khắp các xóm ấp ở Cà Mau đâu đâu cũng có lớp học xóa dốt. Người dân Cà Mau hầu hết “một chữ cắn đôi chẳng có” giờ đây hồ hởi, phấn khởi đốt đèn mỡ cá, mù u đến các lớp học bình dân vào mỗi tối. Cả một xã hội học tập được thiết lập nơi đây. Phong trào xóa dốt ở Cà Mau lúc bấy giờ thực sự là phong trào của quần chúng. Các hình thức tuyên truyền vận động người dân đi học xóa dốt rất phong phú. Đâu đâu trên các xóm ấp, đình làng, gốc dừa, gốc cây, từng nhà đều có những khẩu hiệu “đi học bình dân học vụ là yêu nước”, “người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, “diệt giặc dốt, Việt Nam cường”.
Các đội cổ động được thành lập rầm rộ động viên người mù chữ đến lớp học. Quần chúng thất học hưởng ứng sôi nỗi, các lớp bình dân học vụ mở ra khắp nơi. Nét nổi bật của phong trào xóa dốt ở Cà Mau lúc bấy giờ là số phụ nữ và người già theo học rất đông. Trường lớp cho phong trào xóa dốt rất linh hoạt; hầu hết các lớp xóa dốt đều được đặt ngay ở nhà dân, hoặc ở miếu, đình, chùa… không có bàn ghế, bảng đen thì dùng chiếu để ngồi, cánh cửa làm bảng. Sách vần không có thì giáo viên viết vào giấy, vào tập cho học viên.
Những khẩu hiệu được nêu lên “đi học là kháng chiến”, “vừa kháng chiến vừa học tập”, “tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”; lúc này được sự chi viện, giúp đỡ của Sở Giáo dục, Ty Giáo dục Bạc Liêu đã tranh thủ thời cơ đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hóa hơn nữa.
Chủ trương chỉ đạo xây dựng hai xã điển hình về phong trào xóa dốt đó là xã Nguyễn Huân (Đầm Dơi) và xã Nguyễn Phích (Thới Bình). Ty Giáo dục lấy toàn bộ số học viên trường sư phạm tỉnh gồm trên 30 người thành lập đoàn chống dốt; Đoàn do ông Triệu Hoàng Năng (Lý Ba) làm trưởng đoàn, kết hợp với Ban giáo dục xã tiến hành xóa dốt. Sau năm tháng tiến hành xóa dốt, tháng 4 năm 1952 qua kiểm tra Ty giáo dục công nhận xã đã thắng dốt và tiến hành mít tinh tại vàm Bàu Sen làm lễ thắng dốt. Ngay từ lúc trời còn chạng vạng xuồng, ghe từ khắp nơi đổ về vàm Bàu Sen; cờ, trống, khẩu hiệu, đèn đuốc rực sáng một vùng trời. Hàng ngàn cán bộ quân dân chính Đảng và nhân dân lao động phấn khởi hò reo chào mừng quân và dân xã Nguyễn Huân chiến thắng giặc dốt; trong buổi mít tinh này ông Nguyễn Tạo đọc báo cáo tổng kết. Cùng thời gian này xã Nguyễn Phích (Thới Bình) nơi cơ quan Sở Giáo dục đóng, Ty Giáo dục cũng kết hợp cùng Sở Giáo dục thành lập Ban chỉ đạo xóa dốt. Lực lượng giáo viên xóa dốt gồm giáo viên của Ty Giáo dục, các giáo sinh sư phạm của Sở Giáo dục, các học sinh trường Trung học kháng chiến, quần chúng nhân dân nơi đây tích cực hưởng ứng phong trào; buổi tối nhiều người rủ nhau tới lớp; tiếng đọc vần quốc ngữ vang lên trong đêm ở rạch Chệt, rạch Giồng Ông…. không khí đi học xóa dốt rất sôi nổi; cứ 6-7 giờ tối trên các kênh rạch xuồng bơi tấp nập, đèn đuốc đỏ sông. Đi đến đâu cũng chỉ nghe toàn chuyện đọc chữ, ghép vần. Kết quả trong số 112 xã của Nam bộ được công nhận xóa dốt thì Cà Mau có hai xã: Nguyễn Huân và Nguyễn Phích.
Phát huy thắng lợi của công tác xóa dốt, ngành giáo dục tỉnh đã gấp rút tiến hành mở các lớp bổ túc văn hóa đưa cán bộ nòng cốt vừa được xóa dốt vào học để nâng cao trình độ văn hóa. Hàng loạt trường bổ túc văn hóa do Sở Giáo dục, Ty Giáo dục được mở. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên cứu quốc được động viên vào học ở các trường này; trường bổ túc văn hóa đầu tiên do Sở Giáo dục Nam bộ mở là trường Trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ mở năm 1949 tại rạch Chệt - Thới Bình - Cà Mau. Tiếp đó là trường Trung học bình dân Huỳnh Phan Hộ mở năm 1950 tại rạch Nàng Chăn - Cái Tàu - Thới Bình.
Về phía địa phương, Ty Giáo dục ngay từ đầu năm 1948 đã kết hợp với Ban xã hội tỉnh mở trường Sơ học bình dân để xóa dốt kịp thời cho số cán bộ, chiến sĩ đang công tác và chiến đấu, trường này do chính ông Nguyễn Tạo, Phó Ty Giáo dục trực tiếp làm Hiệu trưởng. Tiếp đó Ty Giáo dục mở thêm phân hiệu 2 Nguyễn Công Mỹ đặt tại xã Khánh Bình.
Từ năm 1948 Sở Giáo dục Nam bộ cũng đã mở hàng loạt các trường trung học kháng chiến và trung học bình dân tại Cà Mau để đào tạo cán bộ bổ sung cho các ngành quân - dân - chính - Đảng. Trong đó có 03 trường trung học kháng chiến:
1. Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, đặt tại Thới Bình, sau dời về rạch Hàng Nhỏ trên bờ sông Cái Tàu, tổ chức được ba khóa với tổng số 450 học sinh do giáo sư Nguyễn Văn Nghĩa làm Hiệu trưởng.
2. Trường Trung học kháng chiến Thái Văn Lung từ Đồng Tháp chuyển về. Đặt tại rạch Ông Bường (Sông Trẹm), sau dời về rạch Nàng Chăn (sông Cái Tàu). Tổ chức được hai khóa với tổng số học sinh là 256. Thời gian đầu, Hiệu trưởng là Giáo sư Ca Văn Thỉnh, khi về U Minh thì Giáo sư Lê Văn Chí làm Hiệu trưởng, Giáo sư Nguyễn Văn Nhung làm Hiệu phó.
3. Trường Trung học kháng chiến Huỳnh Phan Hộ mở tại Rạch Ông Bường (địa điểm cũ của trường Thái Văn Lung) do Giáo sư Nguyễn Thương Tư làm Hiệu trưởng, trường chỉ tồn tại trong một khóa với 180 học sinh. Ba trường này có đặc điểm chung là chương trình đào tạo khá toàn diện, ngoài các môn cơ bản còn dạy cả Âm nhạc, Hội họa và Ngoại ngữ (Hán văn và Anh văn). Đến cuối năm 1951 cả 03 trường đều đóng cửa, học sinh ra nhận công tác kháng chiến theo tinh thần Chỉ thị "tích cực chuẩn bị tổng tiến công". Hai trường trung học bình dân là:
1. Trường trung học bình dân Nguyễn Công Mỹ thành lập năm 1950 tại rạch Chệt (Cà Mau) sau dời xuống rạch Ruộng (Cà Mau), do Giáo sư Nguyễn Văn Nghĩa, Giáo sư Lê Văn Cẩm và thầy Lê Văn Triết kế tiếp nhau làm Hiệu Trưởng; thầy Hoàng Minh Viễn và Nguyễn Duy Minh làm Hiệu phó. Trường mở được 5 khóa với trên 600 học viên; trường hoạt động cho đến ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đây là trường mở được nhiều khóa nhất có đông học viên nhất và hoạt động lâu nhất so với các trường khác.
2. Trường trung học bình dân Huỳnh Phan Hộ thành lập giữa năm 1951 tại rạch Nàng Chăn, do Giáo sư Lê Văn Chí làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Văn An (tức thầy Võ Anh Tuấn) làm Hiệu phó. Trường mở được 02 khóa với trên 150 học viên.
Ngoài các trường nêu trên, trước yêu cầu học sinh đã học hết tiểu học cần học tiếp và con em gia đình cách mạng vào vùng giải phóng càng đông, nên Sở Giáo dục Nam bộ còn phối hợp với tỉnh Bạc Liêu (Cà Mau) mở thêm một số trường trung học kháng chiến nữa như:
1. Trường Trung học Bạc Liêu, Trường mở được một khóa. Trường này do Sở Giáo dục Nam bộ kết hợp với Ty Giáo dục Bạc Liêu thành lập vào tháng 8 năm 1952 hoạt động đến ngày tập kết, đặt tại kinh Kiểm Lâm - rạch Rầm - rạch Ruộng - Cà Mau. Tổng số học sinh là 150, trường do Giáo sư Nguyễn Văn Nghĩa làm Hiệu trưởng, Giáo sư Trương Văn Vinh làm Hiệu phó.
2. Trường Trung học Tiền Phong, mở năm 1952 tại xã Phú Mỹ (Đầm Bà Tường - Cà Mau), theo đề nghị của Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam bộ nhằm bồi dưỡng văn hóa, chính trị cho đoàn viên, cán bộ đoàn các cấp, con em gia đình liệt sĩ. Trường đã mở được hai khóa với 150 học sinh.
3. Trường Trung học Hà Bách Tường, do Tổng hội Giải Liên mở, đặt tại Năm Căn (Cà Mau).
4. Trường Trung học Hòa Bình. Đây là trường trung học tư thục do giảng viên các trường kháng chiến dạy, mở tại Cái Sắn (Thới Bình).
5. Phân hiệu Văn Chính, do Ủy ban kháng chiến mở tại Văn phòng Ủy ban do giáo sư Ca Văn Thỉnh làm Hiệu trưởng.
Cùng đồng hành với các trường trung học, Ty Giáo dục Bạc Liêu (Cà Mau) còn mở nhiều trường tiểu học để bổ sung lực lượng cho các trường trung học. Các trường tiểu học tiêu biểu của thời kỳ này là:
1. Trường Sơ học bình dân Bạc Liêu, do Ban xã hội Tỉnh ủy phụ trách. Trường mở vào đầu năm 1948, là tiền thân của trường tiểu học kháng chiến tập trung Phan Ngọc Hiển sau này.
2. Trường tiểu học kháng chiến tập trung Phan Ngọc Hiển đặt tại Bàu Hầm do ông Nguyễn Tạo làm Hiệu trưởng.
3. Trường tiểu học Trần Quốc Toản do Ban tuyên huấn Trung ương cục mở đặt tại ấp Tân Phước, Tân Hòa xã Quách Phẩm. Trường do cô Sáu Xê làm Hiệu trưởng.
4. Trường tiểu học Hồ Văn Long do huyện Cà Mau mở.
5. Trường tiểu học Huỳnh Phan Hộ do Ty Giáo dục mở. Trước đặt tại đồn điền Quốc gia, sau dời về Đập Đá (Bạc Liêu).
6. Trường tiểu học Nguyễn Văn Nguyễn mở tại Huyện Sử (Thới Bình).
7. Trường tiểu học thực hành do trường Đại học Sư phạm Nam bộ mở. Đặt tại rạch Tắt (Thới Bình).
8. Trường tiểu học Công Học do hội Giải Liên mở cho con em Hoa Kiều kháng chiến học. Trường đặt tại Kinh Tri, Cái Nháp huyện Ngọc Hiển.
9. Trường Thiếu Sinh quân do Quân khu 9 mở, đặt tại Huyện Sử.
10. Trường tiểu học Trần Văn Hoài do giáo dục huyện Cà Mau mở. Trường đặt tại Xẻo Dài - Khánh An - Cà Mau.
11. Trường thiếu sinh Huỳnh Phan Hộ do Ty Giáo dục mở.
Một điểm nổi bật của tình hình giáo dục phổ thông ở Cà Mau trong kháng chiến phát triển rất mạnh; trong tổng số 65 trường tiểu học, trung học và sư phạm của toàn Nam bộ, riêng ở Cà Mau đã có gần 30 trường, về đội ngũ cán bộ giảng dạy mặc dù rất thiếu nhưng bao gồm các vị giáo sư dày dặn kinh nghiệm giảng dạy, có lòng yêu nước nồng nàn, từ bỏ lợi danh, ra vùng kháng chiến, bưng biền tham gia sự nghiệp “trồng người” như các Giáo sư Ca Văn Thỉnh, Đặng Minh Trí, Nguyễn Văn Chì, Lê Văn Chí, Nguyễn Văn Nghĩa, Lê Văn Cẩm, Trần Văn Hanh, Nguyễn Thương Tư, Nguyễn Hậu Lạc, Nguyễn Văn Nhung… có những Giáo sư từ nước ngoài về thẳng chiến khu để tham gia công tác giáo dục như Giáo sư, Thạc sĩ Triết học Hoàng Xuân Nhị; Giáo sư, Tiến sĩ Toán học Lê Văn Thiêm…
Đội ngũ giáo viên kháng chiến bao gồm các Giáo sư kể trên, các giáo sinh trẻ được đào tạo từ các trường sư phạm kháng chiến tốt nghiệp như:
1. Trường sư phạm tiểu học Nam Bộ, khai giảng khóa I vào ngày 14/5/1950 tại rạch Tắc (U Minh – Thới Bình) do Giáo sư Nguyễn Văn Chì làm Giám đốc.
2. Lớp Sư phạm và văn hóa đặt biệt mang tên Phan Chu Trinh do chính Giáo sư Hoàng Xuân Nhị phụ trách. Đây là lớp sư phạm Cao đẳng đầu tiên của Nam Bộ. Lớp này có sự kết hợp với Viện Văn  hóa Nam bộ. Nhiệm vụ của lớp là đào tạo giáo viên cấp 2, cấp 3 và các cán bộ nghiên cứu. Lớp học đặt tại bờ sông Trèm Trẹm với khoảng 100 giáo sinh có trình độ văn hóa từ bậc tú tài, điplôm hoặc tương đương. Tiếp đó, năm 1952, trường sư phạm trung cấp được mở để đào tạo giáo viên tiểu học và trung học; trường đặt tại rạch Tắt, sông Cái Tàu, Thới Bình.
Khi cuộc kháng chiến của dân tộc sắp đi đến thắng lợi cuối cùng, để chuẩn bị con người cho chính quyền mới ở giai đoạn mới của cách mạng, Ủy ban Hành chính kháng chiến cho mở trường Văn Chính. Trường này vừa nhằm nâng cao trình độ văn hóa và trình độ chính trị của những cán bộ cốt cán của tỉnh và của khu. Những học viên của lớp học sau này đã trở thành những cán bộ quan trọng của Bạc Liêu - Cà Mau và của tỉnh bạn.
Tóm lại, trong khói lửa chiến tranh, sự nghiệp giáo dục cách mạng Cà Mau trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã phát triển rất mạnh; từ thực tế đấu tranh cách mạng và xây dựng nền giáo dục mới, giáo dục Cà Mau đã viết nên những trang sử vàng đầy tự hào, kiêu hãnh; Cà Mau đã trở thành cái nôi của nền giáo dục cách mạng, không những tạo nguồn lực cho địa phương mà còn cho cả nước đáp ứng yêu cầu kháng chiến, kiến quốc. Trước cách mạng tháng 8/1945 Cà Mau được coi như một vùng trắng về giáo dục, hầu hết người dân đều mù chữ; mãi tới những năm 1936-1942, do ảnh hưởng to lớn của Mặt trận dân chủ Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì nền móng giáo dục bắt đầu hình thành. Nhà giáo - người cộng sản Phan Ngọc Hiển, trong thời gian hoạt động cách mạng và dạy học ở Cà Mau, ông không chỉ là người thắp lên trong tâm hồn lớp trẻ Cà Mau ánh sáng của trí tuệ, mà ông còn là người gieo mầm cộng sản cho thế hệ trẻ, thổi bùng lên trong lòng họ ngọn lửa yêu nước và lòng tin yêu cách mạng, giúp cho họ vượt qua những gian khổ, hy sinh để hoàn thành được sự nghiệp cách mạng của cha anh. Sự hy sinh oanh liệt của người thầy giáo, người chiến sĩ cộng sản Phan Ngọc Hiển trước pháp trường của kẻ thù chính là ánh sáng, là niềm tin giúp cho nhân dân vững bước tiến lên con đường đầy gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong kháng chiến chống Pháp nền giáo dục cách mạng được xây dựng một cách bền vững ở một vùng đất hẻo lánh, hoang sơ, đã khẳng định được một chân lý rằng, chỉ có những người cộng sản, chỉ có chính quyền cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mới làm được những điều này mà trong nhiều thế kỷ trước giai cấp phong kiến và thực dân không thể làm được.
Nhà trường cách mạng - nhà trường kháng chiến được mọc lên ở Cà Mau  trong những năm từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1954 như “nấm sau cơn mưa”. Một điều rất dễ hiểu là các trường tiểu học, trung học, các trường văn hóa, hành chính được xây dựng để giải quyết ngay yêu cầu  “khát chữ” của nhân dân. Các trường này vừa đáp ứng nguyện vọng tha thiết của người dân là “biết đôi, ba chữ” để làm người; đồng thời vừa thực hiện được nhiệm vụ trọng đại của dân tộc là phục vụ cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nhiều hình thức dạy học đầy sáng tạo trong thực tế vô cùng thiếu thốn, khó khăn được xây dựng. Đó là hình thức học tại gia, học liên gia, học ở xóm ấp, học ở đình, chùa, miếu, học ở lớp, ở trường, học nội trú. Tùy theo tình hình diễn biến thực tế của cuộc kháng chiến mà ngành giáo dục đề ra những giải pháp cụ thể cho việc xây dựng và phát triển giáo dục; những năm 1952-1953 khi vùng giải phóng được mở rộng thì mạng lưới trường lớp kháng chiến cũng mở rộng theo. Có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp ở Trung ương và địa phương sau này đều đã được học những con chữ đầu tiên tại những lớp học, những ngôi trường đơn sơ, tạm bợ trong kháng chiến ở Cà Mau. Đây là niềm tự hào của giáo dục Nam Bộ và giáo dục Cà Mau. Với địa thế đặc biệt của mình, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Cà Mau là căn cứ địa vững chắc của Nam Bộ; cũng là nơi mà ngành giáo dục cách mạng phát triển mạnh mẽ nhất, vững vàng nhất trong khói lửa chiến tranh.
Cho đến ngày hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, Cà Mau cũng là nơi đưa nhiều học sinh đi tập kết và tiếp tục học tập ở miền Bắc đông nhất so với các nơi khác trong miền.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thông cáo báo chí

Hoạt động trường

Tin nội bộ

Sự kiện trường
Quảng cáo





Danh Ngôn Cuộc Sống

Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 46
  • Hôm nay: 6976
  • Tháng hiện tại: 361781
  • Tổng lượt truy cập: 17092327

HIỂN THỊ BÌNH CHỌN

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Tất cả các ý kiến trên