HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRƯỜNG NỘI TRÚ CỦA TY GIÁO DỤC BẠC LIÊU Ở CÀ MAU TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/11/2015 22:26 - Người đăng bài viết: admin
Các thế hệ học sinh của ba trường nội trú tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Cà Mau là trường tiểu học nội trú Phan Ngọc Hiển, trường trung học nội trú Bạc Liêu và trường bổ túc văn hóa lao động Bạc Liêu đều trưởng thành và có những cống hiến trí tuệ, xương máu cho quê hương. Đó là những nhân chứng thực sự, đầy đủ, sinh động, hùng hồn nhất về thành quả của giáo dục cách mạng Cà Mau – Bạc Liêu,rất đáng ghi nhận và tự hào,đó là một điểm son sáng mãi trong lịch sử truyền thống giáo dục cách mạng của tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp
  Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển đây là trường đầu tiên và duy nhất trong thời gian kháng chiến chống Pháp ở Cà Mau được vinh dự mang tên nhà giáo cộng sản, đồng thời là nhà báo, nhà văn.
Trường có 8 lớp tiểu học phổ thông và 1 lớp bổ túc văn hóa tiểu học, mỗi lớp có từ ba chục đến gần bốn chục học sinh. Toàn trường có trên 300 học sinh của 9 lớp, học sinh được chiêu sinh toàn tỉnh các cuộc thi tuyển ở các điểm Tân Đức, Tân Hòa, Cái Keo, Cái Nước. số trúng tuyển được công bố ngay sau các ngày thi và thông báo thời gian tập trung về trường để học.
Thành phần học sinh là con em cán bộ, bộ đội và các gia đình có công nuôi chứa cách mạng trước sau cách mạng tháng Tám 1945; khi tập trung học sinh vào trường bộ phận quản lý tổ chức học sinh của trường và của tổ chức Tổng đoàn học sinh xác định thành phần học sinh có gia đình ở đều khắp các huyện và thị xã, quận lỵ trong tỉnh; có một số ít học sinh từ các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Thủ Biên (Thủ Dầu Một – Biên Hòa) gửi học ở trường. Qua các tổ chức cách mạng các tỉnh và Nam bộ, một số học sinh của trường thiếu sinh quân, Quân khu 9 chuyển qua hầu hết là học sinh nam, có hơn 40 nữ học sinh ở đều hết 9 lớp, chiếm hơn 10% học sinh toàn trường.
Toàn trường có 11 giáo viên (10 nam, 01 nữ) 9 lớp có 9 giáo viên, mỗi giáo viên dạy suốt một lớp, còn hai giáo viên khác dạy âm nhạc và thể dục thể thao. Mỗi khi có  giáo viên vắng mặt ở một lớp nào đó thì Ban giám hiệu hoặc giáo viên cùng khối lớp dạy thay. Giáo viên một số có dạy ở chế độ cũ, một số là giáo viên cách mạng tham gia kháng chiến được tuyển về trường, được học tập chính trị, trao đổi thêm phương pháp giáo khoa cách mạng và giáo dục đạo đức “mô phạm” của người giáo viên trong chế độ mới. Từ đó việc dạy và học đạt kết quả tốt, tình thầy và trò của trường được gắn bó, kính trọng keo sơn, ruột thịt như tình cha mẹ và con cái trong nhà suốt mấy năm tồn tại của trường. Tài liệu, sách giáo khoa lúc đó rất hạn chế, thiếu thốn, Ban Giám hiệu trường chỉ phát cho mỗi giáo viên đứng lớp một bộ sách đủ các môn học của lớp đó, học sinh không có sách để học, giáo viên soạn bài theo từng môn và tiết học được phân bổ trong tuần, trong tháng đưa ra lớp cho học sinh chép, sau đó mới giảng dạy cho học sinh.
Tuy khó khăn về tài liệu và sách giáo khoa như thế, nhờ sự tận tâm có trách nhiệm và đầy nhiệt quyết của thầy cô giáo, tinh thần say sưa, chăm chỉ, tha thiết học tập của học sinh. Qua mỗi tháng, mỗi quý và học kỳ cũng như hết năm học cả thầy trò và tất cả các lớp đều xem xét đánh giá, công nhận là “dạy tốt – học tốt”, rất ít học sinh ở lại. Hết chương trình mỗi lớp thì kiểm tra đạt một trăm phần trăm lên lớp và hết chương trình lớp nhất (4/10) thi tốt nghiệp tiểu học, một trăm phần trăm học sinh được cấp bằng chứng nhận, tất cả đều hân hoan, phấn khởi ra trường nhận công tác kháng chiến.
Khó khăn thiếu thốn của trường là toàn diện, cả trong đời sống vật chất, điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành dụng cụ để dạy và học, địa điểm căn cứ của trường lúc đầu ở trong nhà đồng bào các cấp Tân Hòa, Tân Tiến xã Tân Thuận huyện Ngọc Hiển, sau đó về xây cất hoàn chỉnh tại ngọn rạch Bàu Hầm trên các bờ vuông đất của địa chủ ở xã Quách Văn Phẩm huyện Ngọc Hiển (lúc bấy giờ), công việc xây dựng nhà trường ở đây do cán bộ, công nhân viên và học sinh làm, có nhờ sự giúp đỡ một phần của đồng bào và cơ sở địa phương.
Sau gần hai năm để cải thiện điều kiện ăn ở, đời sống sinh hoạt học hành cho giáo viên, học sinh và chung cả trường, trường được dời về rạch Bàu Dừa cũng thuộc xã Quách Văn Phẩm, huyện Ngọc Hiển về điểm mới số nhà xây cất tương tự như ở Bàu Hầm nhưng được rộng rãi, khang trang hơn nhiều. Nhờ có diện tích xây dựng rộng, nhiều nhà xây ngoài không gian không có cây che khuất, ở điểm này trường có sân để chào cờ mỗi buổi sáng trước khi tất cả học sinh và thầy cô vào lớp dạy và học; có sân bóng chuyền, bóng đá, đời sống vật chất ở đây được cải thiện nhiều hơn do điều kiện sản xuất tự túc được rộng rãi, dễ dàng, tiền chi của chính quyền cách mạng cho học được tăng lên khá hơn.
Về tổ chức nhân sự của trường gồm có:
- Ban Giám hiệu: Ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Ty Giáo dục kiêm Hiệu trưởng, ông Trương Tấn Phát (Đốc Hoạch), Phó Hiệu trưởng; năm 1949 ông Nguyễn Tạo thôi kiêm nhiệm Hiệu trưởng ông Trương Tấn Phát giữ chức vụ Hiệu trưởng đến khi trường hoàn thành nhiệm vụ năm 1950.
- Thư ký trường có các ông: Lê Tấn Điệp, Hoàng Minh Nhất (Ba Ngởi) giám thị trường kiêm giáo viên thể dục thể thao, Ông Lưu Văn Thiêm; tổ y tế chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh cho trường, ông Lê Văn Hiếu y tá trung cấp; Trưởng ban quản lý cấp dưỡng, ông Trần Văn Bĩnh (Tư Bĩnh) và hơn hai mươi nhân viên cấp dưỡng, chế biến, nấu ăn, dọn dẹp nhà bếp, nhà ăn cho toàn trường. Để thực hiện nhiệm vụ dạy và học của từng lãnh đạo trường để thành lập một số ban, phân công giáo viên dạy chuyên sâu, toàn diện.
- Thầy cô phụ trách các lớp:
+ Lớp Tư A: Triệu Hoàng Gia; lớp Tư B Triệu Hoàng Lăng; lớp Ba A Triệu Hoàng Tỷ (giáo Tỷ), lớp Ba B Bùi Thị Kim Huê, lớp Nhì A Nguyễn Thanh Châu (giáo Châu) ; lớp Nhì B Trần Ngọc Điệp (giáo Điệp); lớp Nhất A Châu Hiếu Để (giáo Để); lớp Nhất B Lê Minh Tố (giáo Tố). Lớp bổ túc văn hóa phổ thông Huỳnh Kim Long (Ba Long) và cô Bùi Thị Kim Huê từ lớp 3B điều sang; từ đó lớp 3B được các giáo viên khác kiêm nhiệm từng lúc, giáo viên dạy âm nhạc, nhạc sĩ Huỳnh Tử Cao (Ba Cao) vừa dạy nhạc lý và thực hành nhạc cụ tân nhạc mà nhà trường có.
Từ hòa bình thống nhất đất nước sau ngày 30/4/1975 số học sinh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển và trường trung học nội trú tỉnh Bạc Liêu còn hiện hữu, đã tổ chức Ban liên lạc và tổ chức họp truyền thống hai trường một lần số lần ở thị xã Bạc Liêu và thành phố Hồ Chí Minh để ôn lại và hun đúc truyền thống tốt đẹp của trường để mỗi học sinh thời ấy ghi khắc thêm sâu đậm những kỹ niệm vô giá không có thời gian, không gian nào cảng được sức sống mãnh liệt trong lao động sản xuất và học tập dưới máy trường cách mạng của học sinh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển tỉnh Bạc Liêu, mãi mãi được lưu truyền cho các thế hệ mai sau thật xứng đáng, thật vinh quang một thời vàng son của thế hệ thầy trò trường tiểu học Phan Ngọc Hiển – Bạc Liêu thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Pháp…
Ở thời điểm năm 1949-1950 trên địa bàn tỉnh Cà Mau có nhiều trường trung học phổ thông và bổ túc văn hóa của của Sở Giáo dục Nam bộ từ miền Đông, miền Trung Nam bộ dời về đây như: trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Tố, Thái Văn Lung, trung học bổ túc Nguyễn Công Mỹ, Quân khu 9 có trường trung học Huỳnh Phan Hộ, Xứ Đoàn thanh niên Nam bộ có trường trung học Tiền Phong… các trường này rãi ra đóng ở khắp các xã Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Trí Phải, Biển Bạch, Trần Hợi, Khánh Bình của các huyện Cà Mau, Trần Văn Thời.
Tình hình thực tế này vừa là trở ngại khó khăn, vừa là thuận lợi cho chủ trương mở trường trung học nội trú của Ty Giáo dục; trường trung học nội trú tỉnh Bạc Liêu được Ủy ban kháng chiến – hành chính tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục Nam bộ đồng tình và phê duyệt theo ngành dọc. Đây là tỉnh đầu tiên có trường học kháng chiến nội trú, cuối năm 1949 đầu năm 1950 khi trường tiểu học Phan Ngọc Hiển “dọn mình” để nhận vinh quang hoàn thành nhiệm vụ một cách vẽ vang thì trường trung học nội trú  Bạc Liêu được thành lập và bắt đầu trang sử mới của mình.
Phó Trưởng Ty Nguyễn Tạo, làm hiệu trưởng cùng một số cán bộ trong đó có các ông Lê Tấn Điệp, Hà Văn Hiểu, Trần Nguyễn Tảng, Đinh Minh Hùng… được giao nhiệm vụ cùng Hiệu trưởng lo tổ chức chiêu sinh, tổ chức bộ máy nhà trường, lo địa điểm và mọi công việc xây dựng cất trường. Người thì có hạn, công việc thì rất nhiều, thời gian quy định là gấp rút phải hoạt động như kế hoạch của Ty trình báo với cấp trên, nên tinh thần chung là rất khẩn trương tích cực và quyết tâm.
Nhà trường được quyết định xây dựng tại đầu kênh Đứng, kênh Kiểu Mẫu và dọc bờ kênh Kiểm Lâm xã Khánh Bình Đông huyện Trần Văn Thời. Trường xây cất trên đất của dân, diện tích trên ba hecta, địa thế vừa dựa vào dân, vừa dựa vào rừng U Minh Hạ rất thuận lợi cho công tác bảo vệ, công tác sản xuất tự túc cải thiện đời sống, số nhà được xây dựng gồm: nhà làm việc của lãnh đạo trường (Văn phòng), nhà làm lớp học và hội trường, nhà ở cho giáo viên, nhà ở học sinh, nhà bếp, nhà ăn tập thể… tất cả trên mười nhà lớn nhỏ được xây cất bằng cây tràm của rừng U minh Hạ và lá dừa nước đốn ở ven bờ Sông Đốc, nhà cửa đều khang trang, thoáng mát, rộng rãi, liên hoàn rất phù hợp cho việc đi lại học hành, sinh hoạt, chính quyền cơ sở và đồng bào ở đây hết sức vui mừng, ủng hộ trường về mọi mặt suốt thời gian ba năm tồn tại và hoàn thành nhiệm vụ đào tạo của trường.
Số thầy cô giáo được Sở Giáo dục Nam bộ chi viện có thầy Hoàng Khánh Thu, thầy Lê Văn Vinh, thầy Khổng Toán và cô Nguyễn Thị Kim Đính, sau đó có lúc cần thiết Ty Giáo dục cử thầy Lê Minh Tố và thầy Trần Ngọc Điệp qua trường từng thời gian ngắn. Số học sinh gần sáu mươi em được tuyển với điều kiện là con em cán bộ, đảng viên, bộ đội có bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tiểu học do các trường kháng chiến cấp, không phải thi tuyển. Đa số học sinh được tuyển là học sinh trường tiểu học Phan Ngọc Hiển, có một số ít ở các tỉnh Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Châu Hà gửi học. Chương trình dạy và học từ lớp 5/10 (hệ phổ thông 10 năm), nội dung tài liệu, sách giáo khoa do Sở Giáo dục Nam bộ cấp cho giáo viên dạy, không có sách giáo khoa cho học sinh.
Bộ phận quản lý và phục vụ đời sống chỉ có hơn 10 người, đời sống vật chất của trường được chăm lo khá hơn nhiều so với trường tiểu học Phan Ngọc Hiển, nhờ có trợ cấp sinh hoạt phí cho thầy, trò thường xuyên với tiêu chuẩn nhất định về tiền, lúa, gạo và được cấp đủ theo từng năm học. Học sinh được cho mùng ngủ và mỗi năm hai bộ quần áo; Ty Giáo dục bằng mọi cách trang trải giấy tập cho học sinh, phần tự túc, tự cấp cải thiện đời sống nhờ học sinh đã lớn lên trong lao động và ở đây điều kiện bắt cá, hái rau dễ dàng đời sống luôn được cải thiện tốt, nhờ biết làm công tác vận động và lao động giúp dân làm cỏ, dọc vườn, dạy học cho con em đồng bào.. nên thường xuyên được đồng bào cho nhiều thức ăn cho cả trường như rau, cá.
Ngoài hai trường nội trú nêu trên, vào năm 1952 Ty Giáo dục Bạc Liêu còn mở thêm trường bổ túc văn hóa tiểu học lao động Bạc Liêu đây cũng là trường nội trú tập trung. Trường chỉ tồn tại có hai năm, nhưng trường bổ túc văn hóa lao động tiểu học tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành tốt đẹp chương trình hai năm cuối cấp tiểu học (lớp nhì và lớp nhất – hệ 10 năm), tất cả gần năm chục học sinh ra trường một số về cơ quan cũ hoặc địa phương đã đưa đi học, một số gia nhập bộ đội Vệ quốc đoàn với tờ giấy chứng nhận của Ty Giáo dục (thay bằng cấp tốt nghiệp tiểu học văn hóa tiểu học) cầm trong tay. Đó là một vinh dự, là yếu tố cơ bản quan trọng, là hành trang đánh giá trên đường công tác và sự thăng tiến về sau; nhiều học sinh của trường đã phát huy kết quả và sự tiến bộ của mình sau hai năm học được bổ túc văn hóa tại trường góp phần có ý nghĩa để chuẩn bị dồn sức vào tổng tấn công địch năm 1954.
Tháng 7 năm 1954 nhiều học sinh của trường là cán bộ cốt cán được bố trí ở lại miền Nam tiếp tục nhiệm vụ trong tình hình mới, một số được tập kết ra miền Bắc để tiếp tục xây dựng lực lượng cho đất nước sau này...

 
 

 

NGND-TS.Thái Văn Long-Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau -Ghi chép theo lời kể của Ông Trần Nguyễn Tảng (Sáu Phong)-Nguyên Trưởng Văn phòng Ty Giáo dục Bạc Liêu thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thông cáo báo chí

Hoạt động trường

Tin nội bộ

Sự kiện trường
Quảng cáo





Danh Ngôn Cuộc Sống

Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 148
  • Hôm nay: 30644
  • Tháng hiện tại: 823656
  • Tổng lượt truy cập: 23269001

HIỂN THỊ BÌNH CHỌN

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Tất cả các ý kiến trên