TRƯỜNG NỘI TRÚ CÀ MAU – NINH BÌNH, MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA GIÁO DỤC KHÁNG CHIẾN XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU "ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN"

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/11/2015 22:27 - Người đăng bài viết: admin
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Cà Mau - Ninh Bình là Trường phổ thông nội trú cấp tỉnh mở sớm nhất của miền Nam; chỉ sau trường Lý Tự Trọng của miền Tây Nam bộ (Khu 9). Thành tích hoạt động và cống hiến của trường là rất to lớn; vì vậy được sự nhất trí của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh và Ban Liên lạc trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình tổ chức Hội thảo về thành tích hoạt động và cống hiến của trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau năm 1975; đồng thời làm thủ tục trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Là một giáo viên được công tác rèn luyện và trưởng thành từ mái trường này, tôi rất phấn khởi và thông qua bài viết này để giới thiệu một số thành tích hoạt động và cống hiến của trường.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về việc kết nghĩa giữa “Hậu phương” và “Tiền tuyến”; được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy Cà Mau ngày 15/4/1964 Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình đã chính thức được thành lập tại vùng căn cứ tỉnh Cà Mau (Mũi Ông Lục, Đầm Bà Tường; nay thuộc xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau); trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Cái tên Ninh Bình là biểu tượng ghi đậm mối tình kết nghĩa giữa quân, dân hai tỉnh Cà Mau và Ninh Bình. Nhiệm vụ của Trường là nuôi dạy con liệt sỹ; con thương binh và con cán bộ, bộ đội; nhằm tạo điều kiện cho các đồng chí an tâm công tác và chiến đấu. Đồng thời đào tạo đội quân hậu bị kế thừa cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Khóa học đầu tiên (Khóa I) bắt đầu học chính thức vào đầu tháng 7 nắm 1964, có 15 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 108 học sinh. Sau khai giảng, phân ra hai điểm: điểm trường I ở sát mũi Ông Lạc, gần Vàm Thị Tường; điểm trường II ở kinh Ba Khôn Giáp Nước.
Trong kháng chiến, Trường duy trì hoạt động suốt 11 năm mở được 03 khóa, với 64 lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và đào tạo được 484 học sinh ở vùng giải phóng trong điều kiện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vô cùng gian khổ, ác liệt quả là một kỳ tích và huyền thoại. Khi chiến tranh ác liệt diễn ra thì giáo viên và học sinh lại tạm biệt với sách vở để tham gia kháng chiến; người thì tham gia bộ đội, người thì vào làm việc ở các cơ quan ban, ngành của tỉnh, khu. Số em nhỏ tuổi thì được Nhà trường gửi lại cùng ăn ở với bà con nhân dân. Những lúc như vậy, Tỉnh ủy Cà Mau lại tiếp tục chọn nơi an toàn để tiếp tục xây dựng lại trường lớp, chiêu sinh mới và cứ mỗi lần như thế được xem như là một khóa học.
Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, với đội ngũ gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường tiếp tục đào tạo trên 1.000 học sinh. Đây là nguồn nhân lực trung kiên, tâm quyết phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Tháng 6/1979, Trường nội trú Ninh Bình tỉnh Cà Mau đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử được Đảng và Nhà nước giao. Trường giải thể học sinh của trường chuyển học tiếp cấp 2 ở trường Công nông II và cấp 3 ở trường Công nông I, cán bộ giáo viên của trường được chuyển công tác làm lãnh đạo và giáo viên ở các trường học trong tỉnh.
Trong kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước từ năm 1964 đến năm 1979, Trường mở được 04 khóa học và đã đào tạo trên 1.500 học sinh. Số học sinh này đều trở thành những hạt giống đỏ; những chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, Nhà nước và của dân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có trên 100 giáo viên và học sinh tham gia lực lượng vũ trang. Trong đó có 34 đồng chí đã anh dũng hy sinh và bị thương 43 đồng chí. Tinh thần nhiệt tình cách mạng của thầy và trò đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; vừa cầm bút, vừa cầm súng quyết tâm giảng dạy, học tập, chiến đấu thật tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao.
Trong hòa bình, với tư cách và phẩm chất của nhà giáo kháng chiến, các giáo viên vẫn tiếp tục sống mẫu mực, làm gương sáng cho các lớp học trò tiếp nối. Nhiều giáo viên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý trong đó có 01 nhà giáo nhân dân, 03 nhà giáo ưu tú.Nhiều nhà giáo đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng của tỉnh: 4 nhà giáo là tỉnh ủy viên, 1 nhà giáo là Đại biểu Quốc Hội, 05 nhà giáo là Giám đốc, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban ngành cấp tỉnh. Số nhà giáo còn lại hầu hết là Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các nhà trường Phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp và Trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh.                                                            
Có nhiều học sinh hiện nay có học vị tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, nhà giáo và nhà doanh nghiệp thành đạt... Một số đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp như: 01 Ủy viên Trung ương Đảng (Huỳnh Đảm); 10 đồng chí đã và đang là Thường vụ Tỉnh ủy; 01 Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh (đồng chí Phạm Thạnh Trị); 03 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu (Nguyễn Quốc Việt, Lê Thị Ái Nam, Lê Minh Chiến). Nhiều học sinh đã trở thành Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng ban, Phó trưởng ban ngành cấp tỉnh; Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố; sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, có nhiều em được phong hàm cấp tướng như: Huỳnh Hữu Chiến (Nguyên Phó Tổng cục An ninh), Hồ Việt Lắm (Nguyên Cục trưởng An ninh Tây Nam bộ), Trần Triều Dương (Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Nam (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng – Bộ Công an), Nguyễn Hoàng Thủy (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9).
Khi học ở trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình, các học sinh như một cán bộ thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, hòa nhập với cuộc sống thiếu thốn, khó khăn gian khổ thời kỳ chiến tranh ác liệt. Để có nơi giảng dạy và học tập, thầy và trò nhà trường phải tự xây dựng nơi ăn, chốn ở, khi nhận được kế hoạch phân bổ chỉ tiêu lương thực, nhà trường phải tự đi thu lúa đảm phụ trong dân về xay gạo ăn, cả thầy và trò đều phải tự chài cá, giăng câu, giăng lưới cùng với việc chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện bữa ăn nhằm tạo điều kiện đảm bảo sức khỏe phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Thời gian này, Đảng chỉ cấp cho mỗi người 15 kg gạo/tháng (tương đương 23kg lúa). Khi nhận được kế hoạch phân bổ chỉ tiêu lương thực, cán bộ, giáo viên Nhà trường phải tự vận động nhân dân đóng góp bằng lúa đảm phụ (như thuế nông nghiệp) mới có được. Nhiều lúc, nhiều lần quá khó khan thầy, trò phải ra vùng ven huyện Châu Thành và huyện Giá Rai, tỉnh Cà Mau (vùng tiếp giáp với vùng kềm của địch) vận động nhân dân đóng góp thóc (lúa) chở về để đảm bảo cái ăn cho toàn trường. Tuy khó khăn, nhưng thầy, trò vẫn cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.
Thầy và trò của trường Cà Mau – Ninh Bình luôn giữ mối quan hệ gắn bó mật thiết, keo sơn với nhân dân địa phương nơi trường đóng. Trong lúc khó khăn, không có chỗ để giảng dạy, cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực vận động nhân dân cho mượn đất để xây dựng trường, cất nhà ở (cho thầy cô, giáo và học sinh lớn tuổi). Trong lúc khó khăn, mỗi khi trường hết gạo và nhiều thứ cần thiết khác trong cuộc sống, cả khi bệnh hoạn ốm đau thì luôn được dân giúp đỡ. Dân còn che chỡ cho học sinh khi giặc vây ráp. Mối quan hệ tốt đẹp với dân là môi trường tốt để giáo dục, rèn luyện hình thành nhân cách cho học sinh. Đó là quan điểm gần dân, yêu mến và kính trọng dân, học dân và dựa vào dân. Chính điều này là một trong những điều cơ bản để học sinh trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình trưởng thành từ đó về sau.
Thầy và trò cũng đã tích cực tham gia các phong trào kháng chiến ở địa phương; sẵn sàng tham gia chiến đấu khi địch đổ quân càn quét, số học sinh tuổi lớn được trang bị vũ khí cùng cán bộ, giáo viên sẳn sàng chiến đấu để bảo vệ trường. Những em học sinh nhỏ tuổi được gởi vào nhà dân được nhân dân chở che, đùm bọc nhận là con cháu trong gia đình. Các em phải thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, được dân nuôi chứa và thương yêu các em đã làm được như thế; đảm bảo thực hiện tốt phương châm “Ở dân thương, đi dân nhớ”. Em Phạm Quốc Việt lúc học ở nhà má Trần Thị Sa (Bảy Phát) ở ấp 9 xã Tân Tiến, huyện Tư Kháng (nay là huyện Đầm Dơi); khi ra trường tham gia bộ đội đã anh dũng hy sinh, nhận được tin này má Bảy buồn và lập bàn thờ tưởng nhớ em. Nhiều em được dân thương cho giăng câu trong ruộng nuôi cá của mình để bán lấy tiền may bổ sung thêm quần áo, vì mỗi em chỉ được cấp phát hai bộ mỗi năm.  
Mặc dù trường đặt địa điểm ở vùng căn cứ giải phóng, nhưng phi cơ, pháo tầm xa và những cuộc hành quân càn quét của địch vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là có một lần giặc đổ quân càn quét ở xã Nguyễn Huân; nơi đây có các cơ quan của Khu Tây Nam bộ và gần đó là Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình (Ấp 6 xã Tân Tiến). Khi chuẩn bị đổ quân, giặc dùng phi cơ, pháo binh bắn phá, dọn bãi ác liệt. Trước những cuộc tấn công, bắn phá ác liệt của địch, các giáo viên phải đưa các em học sinh đến điểm trú ẩn an toàn. Và trong những trận đánh phá đó các cô giáo Võ Thị Hồng Tươi, cô Ngô Thị Mỹ Thu, cô Nguyễn Hồ Bé trong lúc lo cho các em trú ẩn, các cô đã trúng mảnh đạn pháo, cô Tươi hy sinh, cô Bé và cô Thu bị thương. Lần giặc đổ quân ở Giáp Nước, học sinh Nguyễn Phúc Thắng trúng đạn trực thăng bắn của đich tại Mũi Ông Lục và em Thắng đã hy sinh.
Nhiều lần trường đưa đội tự vệ phối hợp với du kích địa phương chặn đánh các cuộc hành quân, càn quét của trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 ngụy. Đặc biệt vào đầu tháng 6/1970 trận đánh tại ấp 9 xã Tân Tiến, huyện Tư Kháng (nay là huyện Đầm Dơi) đã tiêu diệt 5 tên, bị thương 7 tên ngụy buộc địch phải rút quân tháo chạy. Thế là ta đã bẻ gãy cuộc càn của địch; chiến công ấy được quân dân địa phương hết lời ca ngợi. Năm 1973 sau hiệp định Paris, nhiều tổ nhóm học sinh được tham gia phục vụ cuộc trao trả tù binh tại Kinh 3, xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi và các em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì vậy mà trường đã duy trì hoạt động suốt 11 năm trong chiến tranh. Tinh thần cách mạng của thầy và trò đã vượt khó khăn gian khổ, vừa cầm bút vừa cầm súng chiến đấu, đảm bảo yêu cầu dạy tốt, học tốt với tinh thần quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho tỉnh sau này.
Nhà trường thực hiện giảng dạy chương trình phổ thông hệ 10 năm của miền Bắc, nhưng chương trình được Tiểu ban Giáo dục Trung ương cục miền Nam (Tiểu ban giáo dục T3) biên soạn lại cho thích hợp với điều kiện thực tế của Miền Nam. Toàn trường chỉ có một bộ sách từ lớp 01 đến lớp 7, nếu có nhiều lớp cùng một chương trình thì việc in ấn, nhân bản vô cùng khó khăn. Thầy, cô giáo phải chép tay để có bài dạy. Học sinh thì hoàn toàn không có sách giáo khoa để học.   
Ngoài việc giảng dạy kiến thức văn hóa, khoa học, nhà trường còn coi trọng giáo dục đạo đức tốt đẹp của dân tộc, giáo dục nhân cách cho học sinh, đặc biệt là giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường bất khuất của cha, ông trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, tinh thần tự hào dân tộc Việt Nam. Ngoài ra còn giáo dục các em rèn luyện chuẩn mực đạo đức cách mạng; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể, yêu quê hương, đất nước. Các em đã trở thành những tập thể biết đoàn kết thương yêu nhau trong học tập, rèn luyện đạo đức. Ngoài ra, còn giáo dục cho học sinh luôn có ý thức sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ nơi đâu khi Đảng, Nhà nước phân công.
Lao động sản xuất cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục, hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Ngoài lao động để cải thiện cuộc sống, học sinh của trường còn lao động giúp dân trong mùa vụ sản xuất, trong mọi việc sinh hoạt hàng ngày, dạy bổ túc văn hóa cho dân (Bình dân học vụ), dạy dỗ và giúp trẻ học tập trong từng gia đình.
Các cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đi đầu gương mẫu, là tấm gương giáo dục học sinh. Sự thương yêu đùm bọc của giáo viên, cán bộ nhà trường đối với học sinh như người cha, người mẹ, người anh, người chị là động lực để các em phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức. Ngoài việc dạy nâng cao trình độ học vấn cho các em, giáo viên còn lo cho các em từ miếng ăm, giấc ngủ; chăm sóc các em từ viên thuốc, ngụm nước mỗi khi các em không may bị trái gió, trở trời. Đặc biệt mỗi khi giặc càn quét, các thầy cô giáo bằng mọi cách để bảo vệ tính mạng các em được an toàn.
Mặc dù có nhiều khó khăn, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng các cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường đã hết lòng vì học sinh thân yêu; còn học sinh thì học tập và rèn luyện đạo đức trên tinh thần tự giác rất cao với động cơ học tập để tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng, xứng đáng truyền thống của cha, anh.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, trường tiếp tục được bổ sung thêm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tiếp tục duy trì hoạt động và đã đào tạo trên 1.000 học sinh, góp phần bổ sung nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong đó có quê hương Minh Hải – Cà Mau – Bạc Liêu nói riêng. Đa phần học sinh của trường hiện nay đều có vị trí nhất định, có học sinh nay đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà văn, nhá báo, nhà giáo, doanh nhân thành đạt… Một số đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp như đã nêu.
Có thể nói rằng, chủ trương thành lập Trường cho đến việc chỉ đạo chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để Trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình hoạt động là một chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy Cà Mau. Chủ trương đó phù hợp với quan điểm của Đảng và thể hiện sự quyết tâm cao trong việc đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực sau giải phóng. Quyết tâm đó vừa đảm bảo nhiệm vụ trước mắt là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc; vừa hướng đến tương lai là xây dựng và bảo vệ đất nước thống nhất.
Với sự nhiệt tình công tác, cống hiến trong kháng chiến và trong xây dựng đất nước, thầy và trò Trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; quyết tâm giảng dạy và học tập thật tốt, tạo nên những hạt giống đỏ bổ sung cho kháng chiến trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ đất nước trong hòa bình. Một lực lượng quan trọng đóng góp một phần vào chiến thắng toàn diện: giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, các thế hệ cán bộ, nhà giáo và học sinh có công xây dựng, giảng dạy, học tập của Trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong thời kỳ xây dựng đất nước đã thành lập Ban Liên lạc của Trường do đồng chí Phạm Thạnh Trị, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Nhà giáo nhân dân – Tiến sĩ Thái Văn Long – Giám đốc Sở GD&ĐT làm Phó Ban thường trực; thông qua Ban Liên lạc, đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, thăm lại chiến trường xưa nơi trường đóng.
Nói đến Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình, Đảng bộ và nhân dân Cà Mau và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình có quyền tự hào và ghi đậm những dấu ấn tốt đẹp của đội ngũ thầy và trò Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình đã được rèn luyện và trưởng thành từ chiến tranh ác liệt đến sau năm 1975. Do đó, để có một địa chỉ để tiếp nối việc giáo dục truyền thống của trường cho thế hệ học sinh hôm nay; theo nguyện vọng của cựu cán bộ, giáo viên, học sinh của trường và qua kiến nghị của Hội thảo mong muốn tỉnh Cà Mau sẽ có một trường học được đặt tên là trường THPT Cà Mau – Ninh Bình. Đó là nguyện vọng và kiến nghị rất chính đáng, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ghi nhận và tiếp thu, hứa sẽ sớm chọn và làm thủ tục trình UBND tỉnh đặt tên một trường THPT trong thành phố Cà Mau là trường THPT Cà Mau – Ninh Bình.
- Suốt 11 năm liên tục (1964 – 1975) Trường được Mặt trận giải phóng Miền Nam; Tỉnh ủy Cà Mau tặng nhiều bằng khen và giấy khen;
- Từ năm 1975– 1979: Trường luôn nhận được cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của UBND tỉnh Minh Hải; nhiều cá nhân cũng được Bằng khen, Giấy khen của UBND và Ban Tuyên giáo tỉnh Minh Hải.
Với những thành tích xuất sắc như đã nêu trên, Trường nội trú Cà Mau – Ninh Bình, tỉnh Cà Mau xứng đáng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thông cáo báo chí

Hoạt động trường

Tin nội bộ

Sự kiện trường
Quảng cáo





Danh Ngôn Cuộc Sống

Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 61
  • Khách viếng thăm: 57
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 15208
  • Tháng hiện tại: 409173
  • Tổng lượt truy cập: 17535358

HIỂN THỊ BÌNH CHỌN

Bạn biết gì về NukeViet 3?

Một bộ sourcecode cho web hoàn toàn mới.

Mã nguồn mở, sử dụng miễn phí.

Sử dụng xHTML, CSS và hỗ trợ Ajax

Tất cả các ý kiến trên