Vững bước trước mùa xuân

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/11/2015 22:29 - Người đăng bài viết: admin
Một năm mới nữa lại đến, cùng với các lĩnh vực khác của cả nước, ngành Giáo dục tự tin vững bước trong mùa xuân Giáp Ngọ 2014.
1. Chưa có giai đoạn nào, thời kỳ nào mà những hoạt động giáo dục và đào tạo được triển khai một cách dồn dập như năm 2013: Xây dựng đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015; đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ; đổi mới đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm; đổi mới công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi; đổi mới công tác tuyển sinh và giao quyền tự chủ cho các đại học, cao đẳng...

Cũng năm qua, rất nhiều sự kiện giáo dục nổi bật, mang đến tin vui và cả chưa vui nhưng xu thế tiến bộ là điều dễ cảm nhận: Thành công của các đoàn học sinh Việt Nam đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế làm nức lòng bao người; học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012; nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)…

Nhưng sự kiện giáo dục và đào tạo nổi bật nhất năm 2013 là việc ra đời Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Thật vậy, trước và sau khi ra đời Nghị quyết, chủ đề đổi mới giáo dục và đào tạo đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Trong đó đáng chú ý là bản kiến nghị của một số trí thức, nhà giáo tâm huyết gửi đến các lãnh đạo Đảng và Nhà nước tha thiết đề nghị có một cuộc chấn hưng giáo dục. 

Trong một thời gian dài, sự sa sút của nền giáo dục gây nên sự lo lắng cho toàn xã hội. Sự sa sút ấy không phải do năng lực quản lý yếu kém guồng máy giáo dục mà là có tính khách quan của quy luật phát triển. Không có sự phát triển nào cứ kéo dài mãi mà phải có lúc chậm lại, đi xuống. Như hình ảnh ngọn sóng lúc đã vươn đến đỉnh cao thì phải thấp dần.

Tạm lấy mốc từ năm 1996 khi ra đời Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về “Định hướng chiến lược giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000” đến những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu quan trọng. 

Theo đánh giá của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, những thành tựu đó là: Đã xây dựng được hệ thống giáo dục và đào tạo tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. Số lượng học sinh, sinh viên tăng nhanh, nhất là khu vực ngoài công lập. 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội. 

Cả nước đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; đang tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...

2. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấy, gần đây lãnh vực giáo dục và đào tạo đã bắt đầu bộc lộ những mặt hạn chế. Cũng theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI: Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu. Giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. 

Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Quản lý giáo dục và đào tạo còn kém hiệu quả...

Trong bối cảnh Việt Nam bước ra thế giới; đặc biệt từ năm 2015, Việt Nam bước vào “sân chơi” chung với các nước ASEAN, yêu cầu phải chuẩn bị lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ để đủ sức cạnh tranh và hội nhập càng trở nên cấp bách. 

Mặt khác, yêu cầu phát triển nội tại xã hội cũng cần thiết không kém mà ngành giáo dục và đào tạo phải gánh một phần lớn trọng trách. Bởi vậy, Nghị quyết 8 ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của xã hội và người ta có quyền kỳ vọng nền giáo dục nước nhà sẽ bước sang một trang phát triển mới.

Nghị quyết nhấn mạnh một số nội dung: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết”. Đó là việc đổi mới tư duy làm giáo dục; đổi mới mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục; đổi mới các chính sách, cơ chế và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. 

Tất cả những việc đổi mới này là nhằm hướng đến phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Những nội dung đổi mới trên lập tức được xã hội đồng thuận và đánh giá là mạnh mẽ. Các chuyên gia giáo dục nhận định: Một làn gió mới đang thổi qua các trường học Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm sao sớm đưa các nội dung trên vào cuộc sống? Nên chọn nội dung nào làm khâu đột phá? 

Trong những tháng cuối năm 2013, ngành Giáo dục và đào tạo cả nước đã tổ chức nhiều diễn đàn lấy ý kiến, lắng nghe và tổ chức thực hiện. Những hoạt động sôi nổi ấy như đã đề cập ở đầu bài đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của cả nước.

Nhưng dù đột phá ở những khâu nào, có lẽ cũng cần đổi mới tư duy về cách làm giáo dục trước đã. Vì hiện nay vẫn còn nhiều người ngộ nhận hoặc chưa hiểu đúng về vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc làm đầu tàu thúc đẩy đất nước phát triển. 

Mặt khác, cách làm giáo dục vẫn còn mang nặng quán tính từ thời bao cấp chưa thể trút bỏ được, mà trong đó nặng nề nhất là… chờ kinh phí mới làm. Vẫn còn đó tâm lý ngồi chờ “hướng dẫn”, thụ động. Khi thực hiện thì theo lối mòn, không dám vạch ra con đường mới...

Và cũng vậy, dù đột phá ở khâu nào thì những người trực tiếp triển khai thực hiện đổi mới cũng chính là lực lượng giáo viên. Bởi vậy, hơn lúc nào hết giáo viên phải tự đổi mới mình trước. 

Ngay từ bây giờ, trong những công việc giảng dạy hằng ngày, người giáo viên cần xác định mình cần phải làm gì để chuyển từ việc “cung cấp kiến thức đơn thuần” sang “vận dụng kiến thức vào giải quyết thực tế cuộc sống”.

Không có giáo viên đổi mới thì không thể có giáo dục đổi mới. Tất nhiên, các nhà quản lý trước hết phải tạo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học một cách tốt nhất; phải ban hành những chính sách kịp thời nhằm động viên, khuyến khích những người đứng trên bục giảng. 

Nhà giáo cần được tạo điều kiện để họ làm thật tốt nhiệm vụ đổi mới giảng dạy của mình. Và cuối cùng, quan trọng hơn vẫn là tính chủ động từ các cơ sở giáo dục. Mỗi cơ sở tự xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 8.

Nói tóm lại, Nghị quyết 8 như làn gió xuân thổi qua các mái trường Việt Nam. Cùng với mùa xuân của đất trời đang đến, chúng ta tin chắc những nụ chồi đổi mới giáo dục sẽ tỏa hương khoe sắc trong năm 2014.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thông cáo báo chí

Hoạt động trường

Tin nội bộ

Sự kiện trường
Quảng cáo





Danh Ngôn Cuộc Sống

Sự gương mẫu của người thầy là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được.

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 140
  • Hôm nay: 42971
  • Tháng hiện tại: 810280
  • Tổng lượt truy cập: 24409154

HIỂN THỊ BÌNH CHỌN

Bạn biết gì về NukeViet 3?

Một bộ sourcecode cho web hoàn toàn mới.

Mã nguồn mở, sử dụng miễn phí.

Sử dụng xHTML, CSS và hỗ trợ Ajax

Tất cả các ý kiến trên